Ðể Lại Di Sản

Ðây là lý do vị thánh Tây Tạng Milarepa ngày nay vẫn còn nổi tiếng. Ông theo học Sư Phụ của ông 7 năm, mỗi ngày chịu thống khổ mà không một lời than trách. Ngày nào ông cũng năn nỉ Thầy truyền pháp cho ông, nhưng không dám than thở, sợ Thầy không chỉ giáo. Thành thử, ông không trách móc gì cả khi bị Thầy đánh đập, chửi mắng, đối đãi "bất công". Ðây là một tấm gương sáng của một đệ tử tốt. Bởi vậy Milarepa mới nổi tiếng trong suốt lịch sử Phật giáo. Ðây mới thật là để lại di sản cho thế hệ tương lai. Chúng ta vẫn còn nhớ danh ông và mong muốn có được tính nhẫn nại giống như ông. Chúng ta kêu ông là "con người siêu việt".

Ngoài Milarepa ra, cũng có nhiều người trần gian như những chính trị gia, những vị anh hùng quá khứ hay hiện đại, họ phải trải qua nhiều gian nan, thử thách trước khi trở thành nổi tiếng. Thí dụ như quốc vương Anh phải được huấn luyện trong trường võ bị trước khi lên ngôi (truyền thống Hoàng Gia Anh là phải huấn luyện vua tương lai trong trường võ bị). Trong trường võ bị, người ta không cần biết quý vị là ai; cứ đánh đập, la mắng quý vị như tất cả mọi người. Họ có thể sai quý vị làm những việc dơ dáy hay khổ hạnh. Họ có thể ra lệnh quý vị cởi quần áo đi ra ngoài lúc trời mưa tuyết. Quý vị phải chấp nhận mệnh lệnh, không thể nói rằng: "Tôi là hoàng tử Anh." Họ sẽ nói: "Tôi biết. Nhưng mẹ ông bảo tôi phải dạy ông thêm bài học."

Trẻ em, kể cả hoàng tử và con cái của những công chức quan trọng đều được cố tình gửi tới các trường võ bị, bởi vì ở nhà cha mẹ dạy rất khó. Gửi chúng đi huấn luyện bên ngoài thì tiện hơn, ở đó kỷ luật chặt chẽ, nghiêm ngặt. Nếu không, chúng sẽ không có cơ hội trải qua những hoàn cảnh khó khăn, bất lợi; khi lên ngôi, chúng chỉ tự làm cho chúng hư hỏng, chỉ ham vui chơi, không tốt cho dân và đất nước. Chúng sẽ không đủ nhẫn nại để đối phó với những quốc gia khác; chắc chắn là như vậy.

 

Người Tu Hành Nên Can Ðảm
Chịu Ðựng Bài Khảo

Những người tu hành như chúng ta không nên thắc mắc tại sao mình đau khổ nhiều quá vậy. Chúng ta nên đọc nhiều sách vở nói về những tấm gương này, ngõ hầu trở nên quảng đại, kiên nhẫn, khiêm tốn. Chúng ta nên kiểm xem mình đã đạt được những cái mà những vĩ nhân kia đạt được hay không. Do đó mà chúng ta cần phải tự huấn luyện mình nhiều hơn, học hỏi thêm. Khi bị la, chúng ta nên niệm Hồng Danh và cám ơn người đã la mình. (Mọi người cười) Thật đó! Nên làm như vậy, rồi chúng ta sẽ cảm thấy một sự thay đổi. Sau này chúng ta thắc mắc không biết tại sao người la mình hồi đó bây giờ coi trọng mình quá vậy!

Chúng ta nên tự huấn luyện thay vì nâng niu chính mình, bởi vì không biết bao giờ Thượng Ðế sẽ chọn chúng ta đi làm lợi ích chúng sinh. Cái đó không phải là cuộc bầu cử chọn Minh Sư Khai Ngộ để làm lợi ích chúng sinh. Cái đó không phải là tự quảng cáo chính mình, lừa phỉnh người khác để họ bầu cho mình. Cái đó không phải là người khác sẽ quảng cáo giùm mình, làm cho mình nổi tiếng để được người ta bầu. Ðâu phải như vậy! Quảng cáo không làm gì được với Thượng Ðế. Ngài chỉ chọn quý vị sau khi dùng kính viễn vọng nhìn xuống quý vị dưới này và nói rằng: "Ðược, anh này tốt! Rất giỏi!" Thế là quý vị bị chọn. Có thể quý vị được chọn để độ một hay hai người, đó cũng đủ gia trì cho quý vị rồi; đủ "mua vé" bay lên kia rồi! (Mọi người cười) Có thể quý vị được chọn để độ hàng trăm, hàng ngàn người, hay nhiều hơn nữa, lúc đó sứ mệnh của quý vị trở thành vô cùng quan trọng, bởi vì độ một người thôi cũng đủ khó rồi, kể cả cứu năm đời gia đình của người đó! Phần thưởng cao.

Thành ra, chúng ta nhớ đậu bài thi mỗi lần sống trong nghịch cảnh. Chúng ta phải là con người trưởng thành. Không phải chỉ làm năng lực sống dậy, mà đầu óc chúng ta cũng phải thông minh, quảng đại. Phải biết rằng thế giới này chỉ là một ảo tưởng, một ảo ảnh to lớn; vậy chúng ta mất công bám víu, ràng buộc vào bất cứ gì trong đó để làm chi? Tranh đua cuộc chơi mộng ảo này để làm gì? Giải thích tình cảnh "bất công" của mình để làm gì? Trước sau gì chúng ta ai cũng phải ra đi. Vua ra đi, người lượm rác cũng ra đi. Không ai ở đây mãi được. Cho nên, dầu phải đối diện với hoàn cảnh bất lợi, chúng ta phải tiếp tục sống và khảo chính mình. Càng chịu đựng nhiều, chúng ta càng thấy rằng mình "chịu đựng" không là bao, rồi sau đó sẽ thấy mình ở một đẳng cấp cao hơn. Trình độ tu hành của chúng ta không phải chỉ có đo lường bằng cách nhìn thể nghiệm hay nghe âm thanh của Ðấng Thiêng Liêng. (Mọi người vỗ tay.)

Trang trước