Muốn ngăn chận mình đừng bị chìm sâu hơn nữa trong nghiệp chướng thì chúng ta cần phải tránh xa những thói quen, không cho chúng trổi dậy. Khi thói quen trổi dậy thì nó sẽ mạnh thêm, chúng ta lại càng nóng tính. Ví dụ như, trong kiếp trước có thể chúng ta bị vu oan một cái tội nào đó mà chúng ta không có phạm. Chúng ta bị giới thẩm quyền đánh đập, làm đau đớn, hay bị trừng phạt. Sang kiếp này có thể chúng ta gặp một người nào đó trừng trị hay làm thương tổn chúng ta vì lý do chính đáng. Quả thật chúng ta có lỗi, và người kia phạt chúng ta là chuyện đúng. Tuy nhiên, trong tiền kiếp đã có người vu oan và trừng trị chúng ta, và chúng ta rất ghét. Khi gặp phải trường hợp tương tự như vậy lần nữa, chúng ta không thể nào chịu đựng và muốn trả thù hay chống chọi. Do đó chúng ta càng tăng lòng oán hận trong tâm, làm cho bầu không khí hiểm độc dầy đặc hơn, mãnh liệt hơn. Cuối cùng nó tạo nên cá tính hằn học trong chúng ta. Thành thử muốn tránh tình trạng này thì mỗi lần chúng ta muốn trả thù ai, phải tự bảo lòng mình ngay lập tức: "Ăn miếng trả miếng như vầy tới chừng nào mới hết"?

Mỗi lần làm một hành động nào hay học một ý tưởng mới nào thì một ngõ mới trong bộ óc được mở ra để chứa tài liệu mới. Chỗ này chứa hận thù, chỗ kia chứa tình thương, chỗ này cho ganh tỵ, chỗ kia cho danh lợi. Mỗi một phẩm tính chiếm một chỗ khác nhau. Càng nhiều thói quen bao nhiêu thì bộ óc càng đầy hộp, đầy ngõ ngách bấy nhiêu.

Mới đầu, những cái hộp này hay những ngõ này có thể tự chúng nó rã tan. Rất đơn giản. Nếu bên trong không có gì thì chúng sẽ hòa lại với nhau rồi tan biến. Tuy nhiên trong não bộ có một chất tên là "chất xám" chứa đầy trong những ngõ hay những hộp này. Tất cả những ý kiến, hành động mới đều được ghi lại trong chất xám và chứa đầy ngõ trống trong não, giống như máy điện toán chuyên giữ hồ sơ, tin tức.

Chúng ta không thể nào xóa bỏ những điều hay phẩm chất mà chúng ta mới học được. Cho nên chúng ta phải tu pháp môn Quán Âm để rửa đi những thói quen xấu bên trong. Không còn cách nào khác để rửa! Quý vị thường nghe nói "tẩy não" một người, nhưng tẩy não bằng lời thôi thì không đủ sạch. Bộ óc của chúng ta rất nhỏ nhưng có thể thâu vào mọi thứ, số lượng không giới hạn. Thế mới khổ. Thâu vào quá nhiều, không thể nào xóa kịp. Mỗi ngày chúng ta đều bị tạp niệm là bởi vì đã thâu vô quá nhiều thứ.

Cho nên, nếu bây giờ tôi có đang "tẩy não" quý vị bằng lời nói, thì cũng chỉ thêm vào ngõ và hộp mà thôi. Không lợi ích gì! Ðầu óc quý vị đã đầy thành kiến, đầy những tư tưởng cũ. Nếu thêm cái mới vào nữa thì nó chỉ lẫn lộn với cái cũ mà thôi, sẽ không có ích lợi gì. Cái cũ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động trong khi cái mới phát triển, chỉ thêm phức tạp mà thôi.

Thành thử tôi mới nói rằng: "Tu hành thật sự không cần ngôn ngữ"! Cho nên trong lúc truyền pháp Quán Âm, tôi không nói và không rót thêm điều gì mới vào. Tôi trò chuyện với quý vị bây giờ chỉ vì đầu óc quý vị có những vấn đề khúc mắc, nên tôi phải cắt nghĩa chút đỉnh để giải quyết những khúc mắc trong tâm quý vị. Nếu không, tôi chẳng nói làm chi. Tại sao tôi phải nói nhiều vậy chứ? Quý vị đã biết quá đủ rồi. Thí dụ, nếu quý vị không phải là Phật tử, không biết gì về Kinh Niết Bàn hay Kinh Kim Cang, quý vị sẽ không hỏi về những kinh điển này, và tôi cũng không phải nói nhiều để giảng giải cho quý vị nghe. Tôi nói nhiều là bởi vì quý vị nói nhiều. Quý vị đã thâu thập quá nhiều rác rến nên tôi phải dùng nhiều cách để mang chúng đem đi đốt.

Cho nên pháp Quán Âm không phải là lời nói mà là chấn động lực, giòng điện, lực lượng Thượng Ðế dùng để rửa những tạp niệm, những quan niệm sai lầm của chúng ta. Nó không mở thêm những ngõ hay hộp trong chúng ta. Ðó là vì nếu dùng một ý tưởng nào đó để hủy bỏ một ý tưởng khác thì sẽ có một sự chống chọi. Không có nghĩa là ý tưởng cũ được rửa! Không có, chúng ta chỉ thêm một cái nữa vào mà thôi. Kết quả càng ngày càng đầy thêm và chúng ta càng khó chịu. Thành thử tất cả các vị Minh Sư đều nói rằng: "Càng học nhiều, càng hiểu biết nhiều thì càng khó ngộ được Chân Lý". Chúng ta chỉ chồng chất đồ đạc trong đầu, nhét chung vào nhau cho tới khi không còn một cái gì phát triển nổi nữa. Tốt xấu lẫn lộn với nhau. Tốt không phát triển nổi mà cái xấu cũng không rửa được, trở thành nặng nề ứ đọng. Bây giờ quý vị đã hiểu tại sao một người học thức càng nhiều thì càng khó khai ngộ!

<<Trang Trước Trang kế >>