Tất cả những hỷ nộ ái ố ở đời này đều là những bài học cho mình. Nếu không trải qua những cảm xúc này thì chúng ta không thể hiểu được cảm xúc của chúng sanh. Quý vị thấy đó, trời vừa mới mưa ngày hôm qua mà quý vị đã thấy ở lều khó chịu, đã bắt đầu lo lắng, tội nghiệp cho thân phận, rồi than phiền đủ thứ. Dù được gặp tôi ở đây, quý vị vẫn than thở chỉ vì một chút khó chịu, một chút bất tiện vào những ngày mưa. Dù được gặp tôi, quý vị vẫn chưa đủ vui để mà quên mất trời mưa. (Sư Phụ cười) Những người sống suốt đời trong cay đắng, họ lại càng khổ đau hơn nữa, không có một chút hạnh phúc nào để mà bù đắp những khổ đau cho họ, hay không có một hoàn cảnh nào có thể làm cho họ cười vui.

Khi sống trong đau khổ, chúng ta nên cảm ơn Thượng Ðế đã cho mình một cơ hội để mà phát triển lòng từ bi. Nếu trong lúc khổ mà tình thương của chúng ta vẫn không trổi dậy thì chúng ta phải nên tội nghiệp cho mình. Chúng ta nên vọng nội xem tại sao mình cứng ngắt như đá! Khi sung sướng, lòng từ bi của chúng ta cũng phải trổi dậy, và chúng ta phải nghĩ đến những kẻ khốn cùng đó. Khi khổ đau, chúng ta nên có lòng từ bi nhiều hơn nữa và nghĩ tới những người cũng khổ như chúng ta, hay khổ hơn chúng ta mỗi ngày. Ðó tức là "luôn luôn cùng với Thượng Ðế dù làm bất cứ việc gì trong cuộc sống hàng ngày". Lòng từ bi của chúng ta là "Thượng Ðế" và tình thương của chúng ta là "Thượng Ðế". Nếu mất đi tình thương và lòng từ bi tức là chúng ta rất xa Thượng Ðế. Thượng Ðế là như vậy; Thượng Ðế không có một hình dáng nào nhất định.

Khi tọa thiền, chúng ta nên quán ánh sáng nội tại và quán Âm thanh nội tại, bởi vì ánh sáng và Âm thanh này chứa đựng lòng từ bi và tình thương tối thượng bên trong. Càng câu thông nhiều với những thứ này, chúng ta càng giàu lòng từ bi. Chúng ta nhìn ánh sáng không phải vì nó rất đẹp, nghe Âm thanh không phải vì nó rất lôi cuốn. Không, không! Mà bởi vì lòng từ bi và tình thương đại đồng có trong hai cái này là loại thuốc có thể chữa khỏi triệu chứng của bệnh ích kỷ, kiêu căng và độc ác. Không có thuốc này thì không thể nào chữa nổi bệnh tham sân si cả.

Tuy nhiên, có những lúc chúng ta không đủ nỗ lực trong công việc tu hành và thiền định; Thượng Ðế phải đem đến bệnh tật, thiên tai, đau khổ, bắt chúng ta phải học mau hơn. Vì không chịu uống thuốc siêu đẳng cho khỏi bệnh, thì trong những lúc đó chúng ta đành phải dùng thuốc hạ cấp vậy. Lấy ví dụ, có những bệnh nhân không thích uống thuốc bắc, nên phải cho họ uống thuốc tây. Nếu họ cũng không thích uống thuốc tây, và họ bịnh trầm trọng, thì chúng ta đành phải mổ xẻ hay giải phẫu. Thành ra, khi một người mắc bệnh không nặng lắm, họ có thể uống thuốc bắc được, rồi từ từ khỏi bệnh. Nhưng nếu bệnh nặng quá thì đôi khi mình phải cho họ thuốc tây hay chích một mũi, có hơi đau một chút nhưng hiệu nghiệm hơn. Nếu bệnh nguy cấp quá thì họ cần giải phẫu. Hoặc phải chết, bỏ hẳn thân thể này đi, lấy một thân thể khác.

Cho nên, chúng ta không nên sợ khổ, mà nên sợ rằng mình không có đủ sức để mà chịu khổ. Chúng ta nên cầu Thượng Ðế cho mình thêm sức chịu đựng. Chịu đựng là gì? Chịu đựng là đẳng cấp cao nhất, không phải chỉ đòi hỏi chúng ta nhẫn nhịn không một sự than phiền nào cả, mà còn phải có lòng biết ơn sâu đậm. Khi tâm thức đã nâng cao, chúng ta không bị bất kỳ hoàn cảnh nào làm mình bị khổ tâm. Dù ở trong tình trạng nào, chúng ta cũng mặc; nó không làm mình phải bận tâm. Tới lúc đó, chúng ta hoàn toàn tách ra khỏi thế giới. Không còn chấp vào hỷ nộ ái ố và cũng không còn sợ hãi. Giống như người thế giới, chúng ta cũng có vui, buồn, giận, sướng. Nhưng chúng ta làm giống như khán giả, đứng một bên quan sát người kia đang vui, buồn, giận, sướng vậy thôi, thay vì nhập mình vào với những cảm xúc này. Lúc nào mình muốn coi thì mình coi, nếu mình không muốn coi thì cứ lờ nó đi. Tương tự như xem truyền hình - khi nào muốn coi thì mình nhấn nút, khi nào không muốn coi thì mình tắt nó đi. Cũng giống như nghe máy thâu âm. Khi nào muốn nghe nhạc buồn thì mình mở băng nhạc buồn. Khi nào nghe đủ rồi thì mình có thể nhanh chóng mở cuốn băng khác mà nghe.

Nếu sống ở đời này mà chúng ta hành động được như vậy thì tất cả những hỷ nộ ái ố sẽ mang lại cho chúng ta trí huệ. Ở thế giới này, chúng ta sống với nhiều người, thành thử khó mà tránh được những hỷ nộ ái ố bởi vì mình phải giao thiệp, chung đụng với họ. Giống như tấm gương không biết nói. Nếu quý vị xấu xí thì nó cho thấy bộ mặt xấu xí của quý vị; nếu quý vị đẹp thì nó cho thấy bộ mặt đẹp của quý vị. Nếu quý vị có hai cái sừng trên đầu thì nó cho quý vị thấy hai cái sừng. Nếu quý vị có răng nanh dài thì thế nào nó cũng phản chiếu một cách chân thật. Nó sẽ không bôi son đánh phấn cho quý vị, nó sẽ không dấu đôi răng nanh hay bỏ hai cái sừng giùm quý vị. Nó chỉ là tấm gương luôn luôn phản chiếu rất rõ ràng và chân thật. Làm một người tu hành cũng vậy. Sống trong thế giới này, chúng ta cũng sẽ có hỷ nộ ái ố giống y như những người khác ở đời bởi vì những cái này là phản ảnh của những hoàn cảnh mà chúng ta đang trải qua.

Thành ra, cho dù một người khai ngộ nhìn bên ngoài thấy như họ có những cảm xúc hỷ nộ ái ố nhưng thực tế, họ không như vậy. Họ có thể thay đổi những cảm xúc trong lòng rất lẹ. Muốn cười là họ cười được liền, hoặc muốn khóc là họ khóc được ngay tức khắc. Họ có thể đổi từ khóc sang cười liền lập tức. Chúng ta không biết họ đang giận hay đang vui, bởi vì lúc nãy họ vừa mới la người khác, nước mắt đầm đìa mà bây giờ có thể họ đang cười. Thành thử, lòng họ rất thanh thoát đối với hỷ nộ ái ố. Những tình cảm này không chế ngự họ được, đôi khi họ có thể giả bộ để hòa mình với người khác.

Chúng ta nghe nói tới một vị Thánh sống tên là Tế Công (một vị Hòa thượng khai ngộ và không bị ràng buộc gì cả, sau khi qua đời được thờ phụng như một vị Thánh) và phép thần thông của ông. Ông nổi tiếng là một người có tâm hồn hoàn toàn thanh thản. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông khùng và gọi ông là "Tế Khùng". Nhưng thật tình ông chỉ giả bộ khùng thôi. Có người thấy hình như ông đang ăn thịt, uống rượu. Nhưng thật ra ông cũng giả bộ thôi. Bởi vì nói cho đúng thì ông chẳng cần ăn uống gì cả, huống chi là ăn thịt, uống rượu. Có người muốn chứng minh, giựt cục xương ông đang gặm, nhưng thấy đó chỉ là trái bầu của ông. Có khi người ta thấy ông đang ngồi đó ăn thịt. Nhưng khi ông quay ra thì họ thấy ông chỉ đang tụng kinh thôi. (Sư Phụ cười) Không thấy miếng thịt nào cả!

Vì chúng sinh như chúng ta không nhìn xuyên qua được hành động của những bậc Ðại tu hành rồi phán đoán họ bừa bãi, nên chúng ta luân hồi kiếp này sang kiếp khác. Các vị Ðại Minh sư đến mà chúng ta chẳng thấy điểm gì đặc biệt về họ. Các tiểu minh sư đến, chúng ta cũng không phân biệt được. Một số người đã theo tôi tu hành lâu rồi, họ cũng ở với tôi một thời gian. Nhưng họ nói rằng những điều tôi dạy cũng giống như những gì người khác dạy. Những người khác không tu hành và bề ngoài giống như tôi, nhưng thật ra thì khác nhau rất xa.