Thiên tai có thể giúp tạo hòa bình giữa các quốc gia

Do sư tỷ Chiou, San Jose, California, Hoa Kỳ (nguyên văn tiếng Anh)

Thiên tai thường chia cách những người thân thương, nhưng cũng có thể đem những dân tộc dị biệt về văn hóa, khác nhau về quan điểm, gần gũi lại với nhau hơn. Chẳng hạn như, trận động đất chết người tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999 đã nhắc nhở Hy Lạp giúp đỡ những người Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng, lúc đó cả hai quốc gia đều gác bỏ những mâu thuẫn từ lâu đời để giúp đỡ các nạn nhân. Rồi tại Nam Dương, ba mươi năm thù nghịch giữa chính phủ quốc gia và nhóm ly khai Aceh đã dừng lại khi mà trận sóng thần Ấn Ðộ Dương tháng 12 năm 2004 càn quét vùng Aceh, đưa hai phía tới việc ký kết hiệp ước hòa bình.

Và gần đây nhất, ngày 8 tháng 10, 2005 tại Kashmir, nơi mà cả hai nước Pakistan và Ấn Ðộ đều nhận là phần đất của mình, đã xảy ra một trận động đất khủng khiếp, khiến hai quốc gia này đã cùng nhau sát cánh trong nỗ lực cứu trợ.

Sau khi trận động đất gây ra sự tàn phá rộng lớn toàn khắp vùng này, Pakistan đã nhận 25 tấn thực phẩm, y dược, lều, chăn mền cùng các tấm vải nhựa từ Ấn Ðộ gửi đến giúp đỡ các nạn nhân trong vùng Azad Kashmir (Pakistan kiểm soát). Theo tin tức của tờ báo Pan India Thời Báo đăng ngày 31 tháng 10, Tổng thống Pakistan, Pervez Musharraf đã nói: "Ðối với các hoạt động cứu trợ, Ấn Ðộ có thể gửi bất cứ tiếp liệu gì, bất kể số lượng nhiều ít và dưới bất kỳ hình thức nào cũng được. Chúng tôi cần phẩm vật cứu trợ. Chúng tôi đã mở các trung tâm cứu trợ tại năm điểm trên TKS (được gọi là Tuyến Kiểm Soát — hay ranh giới giữa vùng Pakistan kiểm soát vàø vùng Ấn Ðộ kiểm soát ở Kashmir). Chúng tôi muốn bất kỳ người nào từ Kashmir qua phía bên này đều mang theo đồ cứu trợ".

Một sự khai triển đầy hứa hẹn khác đã phát khởi từ trận động đất là Do Thái tình nguyện gởi các toán cứu trợ và tiếp liệu cứu trợ tới vùng bị động đất tại Kashmir, nơi có nhiều người Hồi giáo cư ngụ. Cử chỉ này tượng trưng cho một bước tiến đem tới sự hòa đàm nghiêm chỉnh giữa bên Do Thái và khối Hồi giáo. Ðể đáp lại sự tiến bộ về bang giao này, chính phủ Pakistan tuyên bố rằng nhân loại phải tập trung vào những chuyện giúp ích cho sự hòa giải, thay vì những chuyện dẫn đến sự đối nghịch.

Sự bất đồng giữa các phần tử của các tôn giáo khác nhau và những nhóm thiểu số tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người trên khắp thế giới. Nhưng giờ đây khi chúng ta bước vào Thời đại Hoàng Kim, nhiều sự thay đổi sâu sắc đang xảy ra, và một trào lưu mới dường như đã ló dạng, nên có những cá nhân, những nhóm, thậm chí cả chính phủ đã giúp đỡ những người cần được giúp một cách tự nhiên và ít đi những thủ tục rườm rà hơn trong những thập niên trước đây.

Hơn nữa, theo lịch sử chúng ta biết rằng chủ nghĩa tôn phái làm trí óc con người trở nên phức tạp, và nhiều khi còn đem đến sự chống đối lẫn nhau giữa những quốc gia. Nhưng qua sự yêu thương nhân từ của Thượng Ðế, các tôn giáo, dân tộc, và chính quyền khắp toàn cầu đã bắt đầu làm việc sát cánh với nhau một cách chặt chẽ hơn. Sự thay đổi này rất cần thiết để cứu vãn nền văn minh, bồi đắp lại môi sinh của địa cầu, và tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho những thế hệ mai sau. Nêu gương cho sự ôn hòa khai ngộ phản ảnh trong trào lưu mới này, và đem lại cho quốc gia của ông một sự nổi bật mới trên trên thế giới, Tổng thống Musharraf tuyên bố: "Thời gian đã chín mùi để tiến bước trên vấn đề Kashmir: Tôi tán thành phi quân sự hóa".

Tài liệu tham khảo:
http://archive.wn.com/2005/10/31/1400/panindianews/
http://www.gulf-news.com/Articles/WorldNF.asp?ArticleID=189544
http://news.bbc.co.uk/2/hi/south_asia/4327008.stm
http://www.cfr.org/publication/9006/indiapakistan.html#1