Phát triển trong Thời đại Hoàng Kim


Ðể tạo một tương lai thích hợp với môi sinh cho nhân loại, trong sự hòa đồng với thiên nhiên, chúng ta phải học cách bảo tồn tất cả những nguồn tài nguyên quí gia.

Do Ban Báo chí San Francisco (nguyên văn tiếng Anh)

Lý thuyết Cực điểm Dầu

Ngoài sự thay đổi về khí hậu, ô nhiễm môi sinh và khan hiếm nước, các nhà khoa học hiện tại tin rằng nhân loại đang bước vào giai đoạn gọi là "Cực điểm Dầu" (Peak Oil), trong giai đoạn này một nửa số lượng dầu (xăng) của địa cầu đã sử dụng hết, số còn lại sẽ khó khai thác và ở trong dạng khó sử dụng hơn. Ngoài ra, theo những tác giả này, các nguồn năng lực sẵn có — hơi đốt thiên nhiên, năng lực mặt trời, những nguồn nhiên liệu lấy từ chất thải của thực vật và động vật), khí hydro hay nguyên tử — sẽ không đủ để thay thế 80 triệu thùng dầu mà nhân loại đang dùng mỗi ngày.

Trong khi xăng dầu đang khan hiếm, nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng. Tất cả các quốc gia đều cần đến dầu hỏa dưới dạng xăng và dầu cặn, để chuyên chở vật liệu, sản phẩm và con người; và nhu cầu này đang gia tăng trong những quốc gia đang phát triển như Ấn Ðộ và Trung quốc. Thêm vào đó, dầu hỏa rất cần thiết trong việc chế tạo plastic, dược phẩm, sơn, và nhiều loại hàng hóa mà con người sử dụng hằng ngày. Dầu hỏa còn rất cần thiết trong việc sản xuất thức ăn, từ việc chuẩn bị đất, xịt thuốc trừ sâu, dẫn thủy cho đến thu hoạch, chế biến, đóng bao và phân phối. Vì vậy, nếu không có dầu, phần đông thế giới văn minh sẽ bị đói.

Một số tác giả tiên đoán rằng, những vấn đề về kinh tế phát xuất từ việc thiếu hụt xăng dầu sẽ bắt đầu trong vòng 10 năm tới. Một số khác tin rằng số lượng dầu dự trữ của thế giới sẽ tồn tại lâu dài hơn nhiều. Thí dụ như, Bản Ước lượng Xăng dầu Thế giới của Ban Nghiên cứu Ðịa chất Hoa Kỳ tiên đoán rằng, dựa trên tốc độ phục hồi hiện thời, địa cầu có đủ số dầu dự trữ để tiếp tục mức sản xuất như hiện tại thêm 50 đến 100 năm nữa.

Trong bất cứ trường hợp nào, giảm thiểu nhu cầu sử dụng xăng dầu vẫn là điều thiết yếu, khi xét đến những vấn đề như sản xuất quá nhiều thán khí từ việc đốt dầu hóa thạch, và kết quả địa cầu hâm nóng đang ảnh hưởng hành tinh của chúng ta. Một cách để bắt đầu giải quyết vấn đề khó khăn này, là xây dựng những hệ thống kinh tế dựa trên cộng đồng và địa phương, để thay thế những hệ thống khu vực, toàn quốc, và khắp thế giới như hiện tại. Ðồng thời, chúng ta cũng có thể đẩy mạnh sự phát triển những nguồn năng lực mới không ô nhiễm, như là máy phát điện dùng năng lực mặt trời, gió, thủy triều, và dầu lấy từ chất thải như dầu thực vật, để chạy động cơ máy dầu, đồng thời cũng chuyển sang những phương pháp cày cấy hữu cơ không dùng chất hóa học.

Tiến trình phân hóa bằng nhiệt

Một kỹ thuật mới khá đơn giản đã xuất hiện, và có thể giúp ích trong việc chuyển hóa từ dầu hóa thạch, và cũng giúp giải quyết những chất thải hữu cơ mà nhân loại đã tích lũy, điển hình là Tiến trình Phân hóa bằng Nhiệt (Thermal Depolymerization Process — TDP), mô phỏng theo cách thức thiên nhiên phân hóa những chất hữu cơ phức tạp thành những phân tử đơn giản bao gồm dầu và khí đốt. Tuy nhiên, thay vì phải mất nhiều ngàn năm trong điều kiện sức nóng và áp suất cực điểm, như trong sự phát sinh ra dầu từ chất hóa thạch, TDP đã tạo nên cùng một kết quả chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, với một dãy những bể chứa, ống nước, bơm và máy phát hơi nóng, có thể thiết lập trong bất cứ một nhà xe nào sau vườn.

Công ty Kỹ thuật Thay đổi Thế giới (Changing World Technologies) đã thiết lập một xưởng TDP tại tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ, sử dụng nước làm chất xúc tác, để chuyển 210 tấn chất phế thải của thú vật mỗi ngày thành hơi đốt, phân bón lỏng, chất khoáng khô, than, nước, và 70 tấn (500 thùng) dầu loại cao cấp. Chỉ có 15% số năng lượng sản xuất từ TDP được dùng trong việc chạy máy xưởng, cung cấp một nguồn năng lực với tỷ lệ 85% .

Thêm vào đó, tiến trình TDP không gây ô nhiễm môi sinh, sử dụng một xưởng máy ở nhiệt độ thấp, áp suất thấp, có thể được thiết lập trong nhiều kích thước khác nhau, và chỉ sản xuất những sản phẩm phụ hữu ích và rẻ tiền. Khi được dùng để chuyển những chất thải thực vật hoặc động vật, tiến trình này cung cấp dầu và hơi đốt không ảnh hưởng đến sự hâm nóng bầu không khí. Những vị chủ nhân TDP tuyên bố rằng TDP cũng có thể biến bánh xe cũ, lọ nhựa, cặn bã nằm dưới đáy hải cảng, máy điện toán cũ, bùn cống rãnh đô thị, bùn dơ do giấy rác, các chất thải y khoa, và cặn bã từ những nhà máy lọc dầu, thành những sản phẩm giá trị và an toàn, dù những chất thải này có thể đòi hỏi nhiều năng lực chuẩn bị trước khi biến chế. Máy biến chế TDP là những hệ thống địa phương, tương đối rẻ tiền, ngay cả một tỉnh nhỏ hay thậm chí một làng cũng có thể sản xuất một số xăng dầu và phân bón cho địa phương.

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi điểm, TDP không thể hoàn toàn thay thế dầu hóa thạch để trở thành nguồn nhiên liệu chính của thế giới. Thí dụ như, để sử dụng TDP, nước Mỹ sẽ phải tái chế gần 10 triệu chất phế thải mỗi ngày, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu hiện tại. Và dù rằng những chất liệu thô trước sau gì cũng bị phế thải nếu không được sử dụng để chuyển sang năng lượng, những chất này nguyên là được tạo nên (hay được gieo trồng) bằng dầu, vì vậy chúng sẽ trở nên khan hiếm hơn nếu sự sản xuất dầu xăng giảm bớt. Tuy nhiên, bằng cách tạo nên năng lượng từ những chất phế thải của dầu xăng, TDP có thể giúp dễ dàng hóa việc chuyển đổi từ năng lực dựa trên thán khí sang những nguồn năng lực khác sạch sẽ và đơn giản hơn, như là mặt trời, gió và thủy triều.

Tạo một tương lai tươi sáng

Thật ra, những tiến trình như TDP chỉ có thể là những phương tiện tạm thời, vì vấn đề của nhân loại không phải chỉ là thiếu nguồn nhiên liệu thích hợp. Nhảy từ một kỹ thuật này sang một kỹ thuật khác sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề lạm dụng thiên nhiên của con người, đặc biệt là nếu nó khuyến khích việc mở rộng nguồn năng lực bằng cách đốn cây rừng, lấy đất ruộng làm đường, ô nhiễm môi sinh, giảm thiểu nguồn nước tinh khiết, và tiếp tục làm cho các giống sinh vật bị diệt chủng, xói mòn đất mầu, thay đổi khí hậu và dùng các chất hóa học và nguyên tử làm ô nhiễm không khí, đất và nước.

Ðể tạo một tương lai thích hợp với môi sinh cho nhân loại, trong sự hòa đồng với thiên nhiên, chúng ta phải học cách bảo tồn tất cả những nguồn tài nguyên quý giá, sống đơn giản hơn, nhạy cảm hơn đối với sinh quyển, và tập trung vào những phương tiện tự túc địa phương cho những nhu cầu đời sống như thức ăn, y phục, nhà cửa và cộng đồng. Cải tiến phương tiện di chuyển công cộng, khuyến khích sự trồng trọt hữu cơ địa phương, gắn kính hấp thụ ánh sáng mặt trời và máy phát điện dùng sức gió cho nhà cửa và những cao ốc công cộng, tái sử dụng những chất phế thải đặc và rác rến từ cống rãnh, là một số cách thức mà nhân loại bắt đầu chuẩn bị cho thời đại hậu xăng dầu.

Tuy nhiên, nếu không có sự ủng hộ của chánh quyền quốc tế, những chương trình này sẽ rất khó áp dụng trên một bình diện lớn. Chiến tranh đã xảy ra để tranh chấp phần dầu dự trữ còn lại, khi những phần tử thiếu khai ngộ trở nên tuyệt vọng trong việc kiểm soát cái thế giới duy nhất mà họ biết. Viết thư đến báo chí, liên lạc với những giới chức chánh quyền, và tổ chức những buổi hội họp cộng đồng đều có thể giúp ích trong việc đưa xã hội tiến đến một cách cư xử hữu ích và nhân đạo hơn.

Thời đại Hoàng Kim đã đến, nhưng thời đại này chỉ có thể phát triển thêm với sự tiến bộ tâm linh của nhân loại, để cảnh giới vật chất có thể được chuyển hóa bởi tâm linh. Ðối với một thế giới đôi khi có vẻ như đã đi lạc hướng, sự khan hiếm nguồn nhiên liệu chính yếu như là xăng dầu, dù là khó khăn mức nào trong một thời gian ngắn, có thể là điều cần xảy ra cho nhân loại, để hướng sự chú ý của con người nhiều hơn về thiên nhiên, tình thương, và sự tiến hóa của tâm thức.

Tài liệu nghiên cứu:
Cực điểm Dầu:
http://news.bbc.co.uk/2/hi/science/nature/3623549.stm
http://www.museletter.com/archive/135.html
http://energy.cr.usgs.gov/

Phân hóa bằng nhiệt:
http://www.discover.com/issues/jul-04/features/anything-into-oil/
http://www.changingworldtech.com/

Giải pháp cộng đồng:
http://www.postcarbon.org
http://www.pathtofreedom.com
http://www.communitysolution.org/