Máy điện tử tham gia công việc cứu nguy

 


Tiến sĩ Robin Murphy và một trong
những người máy của bà

Do sư tỷ đồng tu Lorna, San Jose, CA, Hoa Kỳ (nguyên văn tiếng Anh)


Ngoài công việc làm giáo sư trong hai ngành Khoa học Kỹ thuật Vi tính và Não bộ Thần kinh học tại viện đại học miền Nam tiểu bang Florida (University of South Florida), tiến sĩ Robin R. Murphy còn là giám đốc Trung tâm Tìm kiếm Cấp cứu bằng Người máy (Center for Robot-Assisted Search and Rescue - CRASAR) của viện đại học. Chỉ hai ngày sau khi bão Katrina tiến vào bờ biển vùng vịnh miền nam nước Mỹ, những chiếc máy không người lái trên không (unmanned aerial vehicles -UAV) của bà đã giúp việc cấp cứu tại những thành phố Pearlington và Bay St. Louis của tiểu bang Mississippi. Những "người máy trên không" đã trở thành những dụng cụ giá trị trong việc cứu mạng người, bằng cách dò trên các nóc nhà để tìm kiếm những người còn kẹt lại, và giúp đỡ những người bị thương bằng cách chọn lựa bệnh nhân (chọn những người cần phải chuyển ngay đến bệnh viện để cứu mạng họ thay vì những người có thể chờ điều trị sau đó).

Giống như những tổ chức khác đã cố gắng tiến vào thành phố New Orleans để giúp cứu cấp bão Katrina, trung tâm CRASAR đã gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, với quyết tâm của tiến sĩ Murphy, những chiếc UAV đã có được cái nhìn tổng quát trên thành phố Pearlington, chuyển tiếp hình ảnh cho thấy nước lụt trong vùng đã hạ xuống, và không còn ai kẹt trên nóc nhà. Ðiều này rất hữu ích vì những đội cứu cấp không thể đánh giá tình hình trong thành phố do những hỗn loạn xảy ra từ việc trộm cướp xe, hôi của và nổ súng.

Một chiếc UAV nhỏ đủ để bỏ vừa vặn trong hai cái va li, có thể được ráp và phóng lên trong vòng 15 phút! Những máy này có gắn dụng cụ kỹ thuật cao như máy quay phim, máy vi âm và máy cảm biến nhạy để cung cấp dữ kiện thông tin cho nhân viên cấp cứu. Máy làm việc tốt nhất tại vị trí từ 100 đến 400 bộ Anh (30 đến 122 mét) - cao hơn cây cối nhưng thấp hơn vùng không phận dành cho phi cơ, vì vậy không cần phải xin phép Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) để sử dụng. Một loại UAV đặc biệt được chế tạo để cung cấp "hình ảnh tổng quát" của một vùng bị thiệt hại, một chiếc khác làm việc như một phi cơ trực thăng bay là đà trên mặt đất để khám phá những vấn đề về môi sinh, những thiệt hại về cấu trúc và nhìn xuyên qua cửa sổ để tìm kiếm nạn nhân.
Người máy dùng máy cảm biến nhạy đo thán khí để đo hơi thở nạn nhân từ xa

Những chiếc UAV đầu tiên được sử dụng sau cuộc tấn công 9/11 vào các tiểu bang New York, Virginia, Pennsylvania và đã đạt được sự tin tưởng từ các tổ chức cấp cứu. Trong cuộc thảm nạn, những "người máy" đã lần mò bên dưới gạch vụn để tìm kiếm nạn nhân cũng như là những địa điểm ra vào cho các toán cứu cấp (những máy này thường đi xuống từ 5 đến 20 mét dưới mặt đất, trong khi một máy hình gắn trên cột chỉ hạ xuống được 2 mét). Những người máy cũng có thể đi vào những vùng đang cháy, những hầm hố có nguy cơ sụp đổ, và những khu vực quá nhỏ cho con người hay chó cấp cứu. Ngoài việc thâu thập và chuyển tiếp thông tin cho nhân viên cứu cấp, những người máy còn chuyển nước cho nạn nhân, và điều khiển việc chọn lựa căn bản những người được ưu tiên cấp cứu đối với những nạn nhân đã bất tỉnh.

Theo tiến sĩ Murphy, những mô hình UAV tương lai sẽ có điện đài 2 chiều, có thể tìm kiếm nạn nhân chính xác hơn gấp chín lần. Thế hệ kế tiếp của những dụng cụ này sẽ bao gồm máy chụp hình màu với khả năng chụp gần, có những điôt phát sáng điện tử thay vì loại đèn halogen, vì vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ bị phát nổ trong những vùng đang bị cháy. Những UAV thế hệ thứ hai này sẽ chống thấm nước, có khả năng đọc được nhiệt độ chung quanh, và làm việc trong những tình trạng khói mù, nước lụt, trong nguy hiểm của chất độc và phóng xạ.

Tiến sĩ Murphy tỏ ra rất lạc quan về chức năng tương lai của UAV trong việc giúp các kỹ sư xa lộ làm việc hữu hiệu hơn, cũng như là tiếp tục giúp đỡ các đội cấp cứu trong việc cứu sinh mạng. Bà giải thích rằng UAV chỉ là khởi điểm, rất nhiều thay đổi lớn lao và nhanh chóng trong kỹ thuật cứu cấp nhân tạo sẽ tiếp theo.

Như Sư Phụ đã đề cập: "Thiên tai không phải luôn luôn được tạo ra bởi những biến chứng địa lý, mà còn phát sinh do từ trường của thế giới. Khi con người đối xử bất công và độc ác với nhau, một từ trường khó chịu, độc ác như chiến tranh sẽ phát sinh, và từ đó nhiều thiên tai sẽ được tạo nên". Do đó, những tư tưởng có vẻ như vô hại từ con người có thể tạo nên một loại năng lực có thể đóng góp vào việc tạo thành thiên tai. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, Sư Phụ cũng nói: "Thượng Ðế vĩnh viễn từ bi và tha thứ". Vì vậy, dù nhân loại vô tình tạo nên thiên tai cho tinh cầu, Ngài vẫn ban cho chúng ta những máy móc kỹ thuật cao cấp như là UAV để các khoa học gia có thể giúp đỡ trong việc cấp cứu một cách hữu hiệu hơn. Ðể tỏ lòng biết ơn Thượng Ðế, chúng ta nên ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp vô vị kỷ cho xã hội và hoàn toàn thành tâm phụng sự Thượng Ðế, từ đó sẽ tạo nên môi trường hòa bình hơn. Bằng cách này, thế giới không những sẽ được nâng cao tâm thức, mà sẽ đạt đến nhiều phương tiện cao cấp để chữa bệnh và giúp cho đời sống nhân loại được thoải mái tiện nghi hơn.

Muốn biết thêm tin tức về CRASAR, xin viếng:
http://crasar.csee.usf.edu/MainFiles/index.asp

Giới thiệu trang này đến bạn