Tường trình theo xếp hạng và đánh giá của Sư Phu


LIÊN HIỆP ÂU CHÂU

Người Âu Châu thoát khỏi tình trạng biên giới quốc gia


Do Ban Báo chí Florida (nguyên văn tiếng Anh)

Vào ngày 30 tháng 4, Kim niên 3 (2006), nhiều biên giới ngăn chia quốc gia sót lại tại Âu Châu đã biến mất khi pháp lệnh Di chuyển Tự do của Liên Hiệp Âu Châu được thi hành. Luật này bảo đảm rằng các công dân thành viên của Liên Hiệp Âu Châu và người nhà của họ sẽ được đối xử như công dân địa phương, trong tất cả các quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu. Ðiều đặc biệt là lệnh này cũng kể bạn đồng giới tính như người nhà. Chưa bao giờ một chính sách cởi mở và nhân ái như vậy được thi hành trong bất cứ quốc gia nào.

Pháp lệnh Di chuyển Tự do là cực điểm của vài năm hiến pháp trong lịch sử Liên Hiệp Âu Châu kể cả hiệp ước Schengen (xem Bản Tin 166) cho phép các công dân Liên Hiệp Âu Châu được di chuyển tự do giữa các quốc gia thành viên. Bảy triệu công dân Liên Hiệp Âu Châu đã dùng cơ hội này để di chuyển, và hiện cư ngụ tại một quốc gia khác trong Liên hiệp Âu Châu.

Vào ngày 1 tháng 5, 2006, bốn quốc gia Hy Lạp, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và Phần Lan đã tiến thêm một bước qua việc mở cửa thị trường lao động cho tất cả mọi công dân Liên Hiệp Âu Châu. Bốn quốc gia kể trên đã theo gương Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan và Thụy Ðiển, để mở cửa thị trường lao động trong Kim niên 1 (2004). Kể từ đó, đã có nửa triệu người Ba Lan di dân sang Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan.

Hiện đang có sự lo ngại rằng những người làm việc tại những quốc gia nghèo sẽ đổ xô vào những nước giàu, lấy mất công việc của cư dân địa phương. Tuy nhiên, kết quả của chính sách nhập cư đã thành công một cách hoàn toàn không ngờ. Theo một báo cáo của Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 2, 2006, tỷ lệ thất nghiệp tại những quốc gia thâu nhận những người làm việc mới đã hạ xuống đáng kể, và nền kinh tế đã phát triển mạnh hơn những quốc gia có chính sách bế môn tỏa cảng. Phí tổn về phúc lợi xã hội tại những quốc gia mở cửa cũng không gia tăng. Thay vào đó, chính quyền đã tiết kiệm được khoản tiền dùng vào việc thi hành những luật pháp không thân thiện và không cần thiết.[1]

Một báo cáo của công ty phân tích tài chính nổi tiếng Ernst & Young của Anh Quốc ra ngày 24 tháng 4, 2006, cho biết "Sự di chuyển đều đặn vào Anh Quốc đã cho thấy những phát triển rất tốt đẹp cho nền kinh tế... Kết quả trực tiếp là lực lượng lao động của Anh Quốc trở nên trẻ trung, linh hoạt và đỡ tốn kém hơn, làm nhẹ bớt gánh nặng trợ cấp hưu bổng, và giữ tỷ lệ tiền lời thấp hơn là nhiều phân tích gia đã dự đoán".[2] Những báo cáo tương tự cũng được ấn hành gần đây tại Ái Nhĩ Lan.

Với tất cả những thông tin lạc quan từ các hòn đảo Anh Quốc này, những quốc gia như Pháp và Ðức đã quyết định mở rộng nhiều khu mướn việc làm. Thị trường lao động khắp Liên Hiệp Âu Châu sẽ mở cửa hoàn toàn vào năm 2011, theo luật của Liên Hiệp Âu Châu. Trong một diễn văn trong tháng 2, 2006, Ủy viên mậu dịch Liên Hiệp Âu Châu Peter Mandelson đã kêu gọi các quốc gia hãy tiến bước nhanh chóng: "Hãy can đảm - Dẹp bỏ những lo ngại. Hãy ăn mừng cơ hội mà tất cả mọi công dân Âu Châu đều có được, do kết quả của chính sách mở cửa".[3]

Âu Châu hiện đang nhắm đến việc mở cửa cho Trung Ðông và Phi Châu. Một bước tiến quan trọng xảy ra trong tháng 12, Kim niên 2 (2005), là sự thông qua dự luật chung Hướng dẫn Thủ tục Tầm trú trong Liên Hiệp Âu Châu, nâng cao quyền lợi di dân đến từ những quốc gia kém phát triển. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị bước vào Liên Hiệp Âu Châu sẽ đánh dấu sự kết hợp quan trọng chưa từng có, giữa những quốc gia Hồi giáo và Tây phương. Hiện tại, Phi Châu đang theo gương của Liên Hiệp Âu Châu qua sự thành lập Liên Hiệp Phi Châu.

Những chính sách mới đầy sáng kiến của Liên Hiệp Âu Châu phản ảnh tiếng nói của những phong trào tranh đấu cho quyền lợi di dân đang phát triển. Trong tháng 11, 2005, những cuộc biểu tình và nổi loạn của di dân đã xảy ra tại Pháp Quốc và những quốc gia Liên Hiệp Âu Châu khác. Trong tháng 4, 2006, hơn 1 triệu người đã đi biểu tình trong những thành phố khắp Mỹ Quốc để tranh đấu cho quyền lợi di dân - một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Mỹ quốc. Quyền lợi di dân bỗng nhiên trở thành một đề tài quan trọng hàng đầu trong chính sách toàn cầu. Trong tháng 9, 2006, Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên sẽ chủ tọa buổi Hội nghị Ðối thoại Cao cấp về di trú quốc tế, tiếp theo sau cuộc hội nghị quốc tế lịch sử của Liên Hiệp Quốc về việc bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi người lao động di dân.

Trong khi dân số thế giới tiếp tục gia tăng, các quốc gia đang nhanh chóng đến với nhau qua mậu dịch tự do, phương tiện giao thông cải tiến và đường dây câu thông như mạng lưới truyền thông internet. Sự di chuyển tự do của con người là biên giới cuối cùng. Sự di dân đã mang lại những phát triển kinh tế thần kỳ cho những quốc gia như Formosa, Ấn Ðộ và Trung Quốc. Hàng ngàn sinh viên Ấn Ðộ và Trung Quốc theo học tại những trường đại học Tây phương và làm việc ở miền Tây đã trở về quê nhà, đem lại sức sống mới cho nền kinh tế địa phương bằng những phương cách cũng lợi ích cho toàn thế giới. Hiện tại, những thành quả này đã được áp dụng cho những quốc gia kém phát triển khác.

Dư luận tại những quốc gia phát triển đã thay đổi đáng kể về sự đối xử nhân đạo cho người di dân. Theo một nghiên cứu xuất bản tháng 5, 2006 của Ủy ban Âu Châu, sự di chuyển tự do cho con người và hàng hóa đã được "tuyên dương hầu như nhất trí" bởi các công dân Liên Hiệp Âu Châu là sự thành công vĩ đại nhất của Liên Hiệp Âu Châu, song song với hòa bình và sự viện trợ cho các quốc gia chậm phát triển. Dù có nhiều tin đưa ra sự lo ngại công ăn việc làm bị mất, đa số công dân Liên Hiệp Âu Châu vẫn ủng hộ việc mở rộng Liên Hiệp Âu Châu đến những quốc gia kém phát triển.[4]

Một báo cáo trong năm 2005 của UNESCO cho biết một dự án mới mang tên Di trú không biên giới (Migration Without Border - MWB) - nhấn mạnh việc giải tỏa những biên giới quốc gia - đang được các chuyên gia chính sách quốc tế bàn thảo. Những dữ kiện thống kê nhiều năm đã cho thấy một kết luận không thể tránh được, rằng bỏ tiền vào việc thi hành những luật hạn chế biên giới không có hiệu quả kinh tế bằng việc giúp đỡ di dân, mà cuối cùng là những người này sẽ giúp đỡ cho nền kinh tế của cả hai quốc gia. Chẳng bao lâu, quan niệm quốc gia sẽ trở thành lỗi thời, và tất cả mọi người chúng ta sẽ sống đoàn kết trong một "ngôi làng toàn cầu" bao gồm nhiều văn hóa khác nhau.[5]  

Chú thích từ Sư Phụ: * Phải. Ðúng ra là phải như vậy.

 

Giới thiệu trang này đến bạn