Bằng thưởng Gương Lãnh đạo Sáng chói Thế giới



Bác sĩ Robert Swan Lawrence
Ðại biểu xuất chúng về ăn chay trên bình diện quốc gia

Vincent Nguyễn, Trung tâm Virginia, Hoa Kỳ (nguyên văn tiếng Anh)

 

Vào ngày 8 tháng 5, 2006, các đồng tu đại diện Hội Quốc tế Thanh Hải Vô Thượng Sư đến thủ phủ Baltimore của tiểu bang Maryland để trao tặng bằng tưởng lục Gương Lãnh đạo Sáng chói Thế giới cho bác sĩ Robert Lawrence, tại Trường Y tế Cộng đồng Bloomberg thuộc viện Ðại học Johns Hopkins.

Bác sĩ Lawrence là Khoa trưởng phân khoa Chương trình Thực tập Chuyên nghiệp, giáo sư ngành Y tế Quản trị và Chính sách, giáo sư ngành Khoa học Y tế Môi sinh tại Trường Y tế Cộng đồng Bloomberg thuộc viện Ðại học Johns Hopkins. Bác sĩ Lawrence hiện là cố vấn cho Lực lượng Ðặc nhiệm Phòng Dịch bệnh Cộng đồng tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Tổng cục Y tế Cộng đồng Mỹ quốc. Ngoài ra, bác sĩ Lawrence còn là hội viên hội Bác sĩ Tranh đấu cho Nhân quyền, một tổ chức đồng nhận lãnh giải Nobel Hòa Bình vào năm 1997. Thay mặt Hội Bác sĩ Tranh đấu cho Nhân quyền và các tổ chức tranh đấu nhân quyền, bác sĩ Lawrence đã tham dự điều tra vi phạm nhân quyền tại các quốc gia Chí Lợi, Tiệp Khắc, Ai Cập, El Salvador, Guatemala, Kosovo, Phi luật Tân và Nam Phi.

Trong năm 1996, Bác sĩ Lawrence là sáng lập viên Trung tâm Tương lai Sự Sống tại Trường Y tế Cộng đồng, một tổ chức bao gồm những giáo sư và nhân viên thuộc nhiều lãnh vực, với mục đích đặt trọng tâm vào sự quân bình, khoẻ mạnh và nguồn nhiên liệu của trái đất. Bác sĩ Lawrence còn là cố vấn cho chương trình "Thứ Hai Không Thịt", một chiến dịch y tế cộng đồng liên bang nhằm giúp ngăn ngừa bệnh tim, chứng đột quỵ, một số bệnh ung thư và tiểu đường - bốn chứng bệnh gây thiệt mạng nhiều nhất trên nước Mỹ.

"Thứ Hai Không Thịt" là một tổ chức phi lợi nhuận kết hợp với Trường Y tế Cộng đồng Bloomberg thuộc viện Ðại học Johns Hopkins, với sự ủng hộ của 28 trường Y tế Cộng đồng khác. Chiến dịch này cũng hợp tác với một số những công ty thực phẩm, để cung cấp những thực đơn chay bổ dưỡng trong những môi trường rộng lớn như các nhà ăn ở đại học, nhà ăn của những công ty, nhà hàng và cửa tiệm thực phẩm.

Nhận lãnh giải thưởng, bác sĩ Lawrence phát biểu: "Tôi rất vui mừng nhận lãnh tưởng lục này, và xin tán tưởng những hoạt động mà quý vị đang làm, để đạt đến việc bảo đảm sự an toàn về thực phẩm và một phương cách tốt đẹp hơn để sống quân bình trên thế giới".

Sau lễ trao bằng thưởng, chúng tôi đã có cuộc mạn đàm với bác sĩ Lawrence. Ðược hỏi về chiến dịch Thứ Hai Không Thịt, bác sĩ cho biết, bằng cách tránh ăn thịt và những sản phẩm động vật dù chỉ một ngày trong tuần, lượng mỡ bảo hòa (saturated fat) trong thực phẩm của người Mỹ sẽ giảm bớt 15%, từ đó sẽ đạt được mục tiêu Con Người Mạnh khoẻ năm 2010 của Y sĩ Trưởng Hoa Kỳ. Hiện tại, người Mỹ tiêu thụ quá nhiều loại mỡ tỷ trọng cao, quá nhiều đường và các thức ăn biến chế. Bác sĩ Lawrence giải thích rằng, những thứ này đã góp phần tạo thành dịch béo phì đang xảy ra trên toàn quốc, đưa đến hậu quả là sự gia tăng của bệnh tiểu đường loại 2, và những chứng bệnh có thể ngăn ngừa. Bác sĩ Lawrence cho biết, hiện tại trên nước Mỹ một người nam trung bình tiêu thụ gần gấp đôi lượng thịt mà Bộ Nông nghiệp Mỹ quốc đề nghị, và người nữ trung bình tiêu thụ khoảng 170% nhiều hơn số đề nghị.

Ðược hỏi về sự quan trọng của chất đạm từ động vật, bác sĩ Lawrence cho biết, bằng cách chọn lựa chính đáng những loại rau và những chất đạm thực vật, chúng ta vẫn có được tất cả những chất amino acid thiết yếu mà không cần chất đạm động vật nào. Hiện tại, tỷ lệ tiêu thụ thịt cao như hiện nay tại các quốc gia lợi tức cao sẽ không duy trì nổi thực phẩm cho toàn cầu. Nếu tất cả mọi người trên thế giới ăn uống theo cách tiêu thụ tại Mỹ Quốc, chúng ta chỉ có đủ thực phẩm cho khoảng 2,7 tỷ người, trong khi dân số thế giới là 6,5 tỷ người.

Không những chất đạm động vật thiếu lành mạnh vì chứa đầy loại chất béo bảo hòa, còn phải mất khoảng 7 tấn (6350 kg) thóc lúa để sản xuất 1 tấn (907 kg) thịt bò. Phải mất khoảng 4 tấn thóc lúa (3628 kg) để sản xuất 1 tấn thịt heo, và hơn 2 tấn thóc lúa (1808 kg) để sản xuất 1 tấn thịt gà. Thêm vào đó, còn phải mất 1 ngàn tấn nước (9070 kg) để sản xuất 1 tấn thóc lúa. Kết quả là, để sản xuất 1 tấn thịt bò, phải mất 7 tấn nước (6.350.000 kg), nguồn tài nguyên quý nhất của thế giới. Cho nên cách ăn này không thể bảo trì nổi nhìn từ phương diện an toàn thực phẩm toàn cầu.

Ðược hỏi về tương lai của địa cầu, bác sĩ Lawrence cho biết, ngoại trừ là chúng ta làm điều gì đó, để cho việc sử dụng ngũ cốc và thóc lúa trở thành một phần quan trọng trong phép ăn uống của nhân loại, chúng ta đơn giản sẽ không giải quyết được nạn đói. Hiện tại đã có một tỷ người bị suy dinh dưỡng trên thế giới, và con số này sẽ tăng lên dữ dội, nếu chúng ta không cải tiến hệ thống nông nghiệp hiện tại.

Tuy nhiên, bác sĩ Lawrence cũng nói thêm, dù rằng đầu óc ông rất bi quan khi nhìn vào những dữ kiện này, trái tim ông vẫn lạc quan về tương lai của tinh cầu. Nhân loại đã tỏ ra biết thích ứng, biết học hỏi từ những lỗi lầm trong quá khứ, và biết đoàn kết lại trong những giai đoạn khủng hoảng. Nhưng ông cũng nói thêm, chúng ta phải bắt đầu làm việc càng sớm càng tốt, nếu muốn có một tương lai cho con cái, cho con cháu nội ngoại và cháu cố.

Kết thúc buổi mạn đàm, bác sĩ Lawrence gửi lời cảm tạ và kính thăm Thanh Hải Vô Thượng Sư, và nói: "Tôi rất vui mừng khi thấy có những tổ chức đang làm việc để cải thiện dinh dưỡng, để chia sẻ những nguồn tài nguyên địa cầu một cách quân bình, và đáp ứng những thiên tai như trận động đất tại Pakistan. Tôi hy vọng Ngài và tổ chức của Ngài sẽ tiếp tục giúp đỡ trong phương cách nhân đạo này đến khắp toàn thế giới". 

Giới thiệu trang này đến bạn