Làm Người bạn tốt nhất của con mình

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị, Surrey, Anh Quốc,
ngày 7 tháng 1 năm 2006 (nguyên văn tiếng Anh,)

Ðồng tu 1: Con của con thọ pháp Phương Tiện lâu rồi nhưng nó không chịu tu hành. Rồi đến tuổi vị thành niên, nó rất ương ngạnh, hút thuốc, uống rượu, nói dối, ăn cắp, ma túy, đủ thứ!

SP: Trời ơi, ma túy! Phải coi chừng nó. Phải bảo nó "Không được!"

Ðt1:  Dạ, con có nói. Con cãi với nó hoài.

SP: Rồi bây giờ sao?

Ðt1:  Chúng con có rất nhiều rắc rối. Nhưng cuối cùng bỗng nhiên nó nhận ra rằng nó sẽ bị kẹt lại chỗ mà nó không muốn trong khi nó có thể đi xa hơn vậy nữa. Thế là nó sống đàng hoàng trở lại và chúng con cứ khuyến khích nó đi thiền với chúng con, nhưng từ từ thôi, vì có nhiều người ép con cái thọ Tâm Ấn nhưng chúng chẳng tu hành gì mấy.

SP: Tôi hiểu.

Ðt1:  Con nói với nó: "Nếu con chịu thiền mỗi ngày trong vòng 6 tuần lễ, có thể ba sẽ nộp đơn cho con thọ nguyên pháp". Nên trong 6 tuần, sáng nào cháu cũng ngồi thiền, nhưng không phải lúc nào con cũng tin những gì nó nói 100%.

SP:  Tôi hiểu.

Ðt1:  Chừng nào nó làm thì con mới tin.

SP:  Rồi nó có thiền.

Ðt1:  Lần này khi về nhà, con nói "Nếu con đọc 5 cuốn sách Bí quyết Tức khắc Khai ngộ, Khai Thị 1 tới 5, nếu con đọc Bản Tin của Sư Phụ hàng tháng, và nếu lần nào con cũng đi cộng tu mỗi khi có cơ hội, thì ba sẽ nộp đơn cho con". Nó cũng chịu. Cho nên Sư Phụ có hai người như vậy.

SP:  Tốt! Tốt!

Ðt1:  Con tiếc là quá nghiêm khắc với nó, nhưng con biết nó lười. Vì con không muốn phí thời giờ của Sư Phụ với nó, hoặc phí thời giờ của nó với Sư Phụ, nên con phải chắc chắn.

SP:  Tốt lắm! Rất tốt! Nếu con anh làm được phân nửa những gì anh nói thì nó có thể thọ Tâm Ấn.

Ðt1:  Dạ, tốt quá!

SP:  Tôi đi một nửa. (Mọi người vỗ tay)

Ðt1:  Dạ, cảm ơn sư Phụ. Nhưng cháu ngoan lắm. Bây giờ nó vui lắm.

SP:  Tôi hiểu

Ðt1:  Khi con về tới nhà, nhìn thấy nó được gia trì và rất vui. Thật ra cháu rất ngoan, tâm rất tốt, nhưng nó thử học làm người xấu.

SP:  Không phải vậy, nó bị áp lực của bạn bè cùng lứa. Tôi nói với tất cả quý vị nào làm cha mẹ, vì lời nói của quý vị rất quan trọng. Nhiều cha mẹ không nói gì cả, hoặc nói rất ít, nên con cái không nghĩ rằng tránh xa ma túy là điều quan trọng. Quý vị phải quả quyết nói "không". Phải nói cho con mình biết điều đó có hại gì. Quý vị phải lặp lại nhiều lần, một cách tử tế, đàng hoàng, hợp lý; phải nói "Không được". Ðừng nói "Thôi kệ nó", hay là "Sao cũng được, tự nhiên mà". Không phải vậy! Vì khi trẻ em ra ngoài, chúng bị hàng trăm, hàng ngàn ảnh hưởng xấu ở khắp mọi nơi chờ chúng ở mỗi góc xó. Chúng dễ bị ảnh hưởng! Còn nhỏ mà.

Quý vị phải nói "không". Phải đi từng bước cùng với con mình, suốt con đường. Mỗi ngày nói chuyện với nhau như bạn. Ðừng la rầy từng lỗi nhỏ hoặc những chuyện nó làm, mà nên khuyến khích và nói "Cái này không tốt. Phải ngừng lại. Chuyện này thật sự ảnh hưởng tới sức khoẻ, tới tương lai của con và ảnh hưởng tới gia đình". Nói với chúng rằng quý vị không vui, cảm thấy thật bất an. Quý vị phải nói cảm nghĩ của mình. Vì trẻ con không hiểu!

Nhiều khi quý vị không nói hoặc không khắt khe với chúng, chúng tưởng quý vị không quan tâm, không màng chúng sống chết ra sao, ngoan hay hư, nên chúng cảm thấy bị hất hủi, bỏ bê, rồi càng ngày tệ hơn để cho quý vị chú ý. Thành thử nếu quý vị để ý tới chúng, tử tế, ý nói là theo tỷ lệ, từ lúc đầu, không nuông chìu hoặc để ý quá đáng mà như một người bạn, thì chúng sẽ thổ lộ hết tâm sự với quý vị. Quý vị sẽ biết chúng đang làm gì, bạn bè chúng đang làm gì. Chúng phải tin tưởng quý vị, thì mới nói cho quý vị nghe hết, rồi quý vị biết được chúng như thế nào, rồi quý vị mới biết cách để giúp chúng. Vì ngoài kia, chúng rất đơn độc. Quý vị tưởng chúng là con mình thì chúng được bảo vệ. Không đâu! Khi ra ngoài kia, trong trường chúng không được bảo vệ. Nhiều khi ở trường bị bạn bè bắt nạt, chúng không dám nói ra. Nhiều khi chúng làm chuyện này chuyện kia chỉ vì muốn được nhập bọn theo bè phái. Nếu không là bị ra rìa, coi như là hèn nhát, yếu đuối, mấy danh từ nghe rất đau lòng đối với một thiếu niên mới lớn.

Cho nên phải nói cho chúng biết cái gì tốt, cái gì xấu, mấy danh hiệu đó không thành vấn đề. Quý vị phải ủng hộ chúng, làm bạn với chúng, để chúng có thể nương tựa vào quý vị, tin tưởng quý vị để cả thế giới không còn quan trọng đối với chúng nữa, như vậy người ta không thể đưa đẩy con cái quý vị vào bóng tối được. Vì xã hội xấu xa vẫn còn đó. Nhất là trẻ em, bởi vì nếu những cha mẹ khác không biết dạy dỗ con cái họ, rồi con cái quý vị sẽ bị ảnh hưởng xấu từ mấy đứa này, rồi chúng truyền nhiễm cho nhau. Quý vị phải có lập trường vững chắc, phải nói "Không"! Dù nó không thích nghe. Phải nói cho hợp lý và một cách trìu mến.

Rồi dần dần, dù hôm nay nó không thích, cũng sẽ thấm vào. Rồi một ngày nào đó sẽ xoay chiều đổi hướng, nó sẽ nhìn thấy khía cạnh xấu của bạn bè, rồi suy nghĩ: "Ba tôi tốt hơn. Ông ta đúng. Nhìn bạn kìa! Ghiền ma túy, thành như vậy. Coi đó! Ba tôi nói đúng. Tôi không muốn giống như bạn đâu!" Một ngày nào đó, dù nó đã bị ảnh hưởng xấu chăng nữa, ảnh hưởng của quý vị vẫn tính như thường, còn hơn là không có ảnh hưởng gì cả! Nhất là khi quý vị cũng có lực lượng; Quý vị phải nói "không" đối với tất cả những điều xấu mà con cái muốn thử qua và thí nghiệm.

Ngay cả đề tài tế nhị như sinh lý, quý vị phải ngồi xuống nói chuyện với chúng. Có thể chúng biết nhiều hơn quý vị rồi, nhưng quý vị cũng phải coi chúng biết cái gì, để hướng dẫn chúng. Ðừng mắc cở về mấy chuyện này, tới khi chúng gặp rắc rối rồi mới nói, lúc đó thì quá trễ rồi. Thà mắc cở bây giờ còn hơn là sau này, bởi vì chúng thậm chí có thể mất mạng vì mắc bệnh hiểm nghèo gì đó.

Quý vị phải nói với chúng giống như nói với chính mình, vì quý vị phải làm bạn với con cái mình. Nếu quý vị không làm bạn thì ai làm bạn chúng đây? Quý vị là những người bạn tốt nhất mà chúng có thể có được! Thật ra, quý vị là người bạn duy nhất mà chúng nên có, cho tới khi chúng lớn khôn. Ðương nhiên là chúng có bạn khác, nhưng cùng lứa tuổi với nhau, đâu biết gì nhiều. Ðó là bồ, không phải bạn. Quý vị là bạn. Quý vị là người hướng dẫn. Chúng nể quý vị. Bây giờ quý vị đã mài dũa mình sạch sẽ rồi thì thậm chí còn làm người hướng dẫn giỏi hơn nữa và là bạn tốt hơn nữa!



Tình thương gia đình rất quan trọng đối với trẻ con


Thành ra, trong thế giới rộng lớn ngoài kia, chúng nên biết là chúng lúc nào cũng có quý vị, khiến chúng cảm thấy tự tin, vững mạnh, được thương. Nhờ vậy chúng khắc phục được mọi thứ khác. Vì nếu cảm thấy không được thương, chúng sẽ cảm thấy xuống tinh thần. Cảm thấy không muốn làm gì hết, rồi thử đủ thứ để lên tinh thần. Cho nên, tình thương gia đình rất quan trọng đối với trẻ con. Quý vị phải cho chúng tình thương vô điều kiện. Cứng rắn, nhưng thương yêu. Cũng giống như tôi đối với quý vị, đôi khi la mắng nhưng quý vị được thương, và quý vị biết như vậy. Dù tôi la rầy, quý vị vẫn biết có thể tin cậy vào tôi. Quý vị biết tôi không hại quý vị. Quý vị biết vậy, phải không? (Thính chúng: Dạ phải, Sư Phụ!) Ðối xử với con cái quý vị cũng giống vậy, cho chúng biết quý vị lúc nào cũng thương chúng, nhưng đừng nhượng bộ theo sở thích của chúng. Cưng hư khác với thông cảm vàthân thiện.

Nên làm bạn của con mình. Chẳng hạn, nếu chúng về nhà thổ lộ với quý vị chuyện gì xấu như "Ô! Hôm nay con làm chuyện xấu". Quý vị đừng la lối liền, nói "Con hư quá!" v.v... Quý vị nên nói: "Cám ơn con nói cho ba biết. Ba rất hân hạnh vì con nói cho ba biết những chuyện này, mặc dù con biết rằng kể cho ba nghe có thể không tốt lắm, nhưng ba mừng là con đã nói ra". Rồi giúp đỡ chúng theo tùy theo hoàn cảnh vì chúng còn con nít. Nếu chúng lầm lỗi cũng vì chúng là con nít.

Nhìn quý vị thì biết! Lớn đầu rồi mà vẫn còn làm lỗi tùm lum thì làm sao con nít không làm lỗi được. Cho nên, nhân cơ hội hướng dẫn, thương yêu chúng. Mỗi lần con cái thổ lộ với quý vị chuyện gì xấu thì cũng đừng la mắng chúng. Chỉ nói là quý vị rất mừng, hân hạnh được con tin tưởng. Như vậy chúng sẽ kể cho quý vị nghe nữa. Vì lỗi lầm thế nào cũng phải xảy ra, và ảnh hưởng xấu nhất định sẽ xảy ra khắp nơi. Vì vậy nên mừng khi con cái kể chuyện cho mình nghe, rồi tùy theo đó mà sửa đổi chúng. Ðể chúng nói chuyện với quý vị. Hành động như một người bạn chứ không phải làm một người quyền uy. Ðừng quá lố!

Ðây là một trường hợp rất vi tế, không phải gia đình nào cũng giống nhau, nhưng nguyên tắc là làm bạn. Làm bạn để chúng có thể tựa vai mà khóc, tin tưởng quý vị, rồi chúng nghe lời quý vị. Cám ơn anh đã nêu lên vấn đề đó để tôi nhân tiện nói cho mọi người biết. (Vỗ tay)

Ðt1:  Truyền hình bây giờ cũng có những chương trình hướng dẫn cách đối xử với trẻ vị thành niên và trẻ nhỏ. Hồi con mới lớn, đâu có mấy chương trình này. Nhưng con nghĩ đối với con trai của con, sẽ có một thời điểm chuyển hướng một ngày nào đó.

SP:  Là thời điểm chuyển hướng!

Ðt1:  Con từng hay nói với nó rằng "Này nhé, ma túy không tốt, con phải tránh xa. Nhưng con cứ đi ra ngoài hoài". Có những lúc hai cha con cãi nhau dữ dội lắm, vợ con cũng xen vào luôn, rồi nó lôi vợ con vào phe nó. Làm con cảm thấy không còn quyền hành gì nữa và giận quá, con nói: "Tôi sẽ bỏ cả hai, hai người muốn làm gì thì làm". Nhưng lúc nào con cũng cố gắng khuyên bảo nó.

SP:  Tôi hiểu.

Ðt1:  Nhưng có một lần nó đi chơi, con nói với nó: "Ba không muốn con đi chơi. Tối nào con cũng đi chơi, ba muốn con ở nhà. Cuối tuần hãy đi, chứ không phải ngày nào cũng đi".

SP:  Ðúng.

Ðt1:  Rồi tối hôm đó nó vẫn đi ra ngoài chơi, nên con tịch thâu máy điện toán của nó, đem vô phòng con, khóa lại. Nó trở về nói rằng: "Con vô phòng lấy máy điện toán". Nhưng ngày hôm trước con có xem một chương trình.

SP:  Vậy sao?

Ðt1:  Trong chương trình này, người huấn luyện viên đang dạy một thiếu niên cách để đừng nóng giận. Người huấn luyện viên đứng trên võ đài đánh võ với người thiếu niên đó. Ông nói với cậu trai rằng: "Tôi sẽ chửi cậu, làm cho cậu tức tối, nhưng nếu cậu đánh tôi là cậu thua". Nên con dùng chiến thuật đó với đứa con. Bất luận nó nói gì, chửi rủa con, dùng những danh từ này kia đủ thứ, nhưng con nói: "Ba thật ra không giận. Ba thương con, nhưng ba sẽ không đưa máy điện toán lại cho con cho tới khi nào con ngừng đi chơi thì thôi".

SP:  Ðúng!

Ðt1:  Rồi nó nói: "Ba sẽ xem!" Thế là nó chờ ở cửa. Vì bạn con thường tới thiền vào mỗi tối Thứ Tư, nó nghĩ con sẽ mắc cở mà đưa lại cho nó vì có bạn con ở đó. Nhưng bạn con tới, con nói với bạn "Tôi đang cãi nhau với đứa con trai. Nó đi chơi hoài, nên tôi phải tịch thâu máy điện toán của nó. Nếu anh không ngại thì hôm nay mình thiền trong phòng khác". Vì lúc đó, con của con dùng quá nhiều sức để chửi rủa con đủ thứ. Con nói: "Ba đã nghe qua hết rồi, là "ba ngu, ba thế này, thế nọ, thế kia". Ba thương con, nhưng ba sẽ không trả máy điện toán lại cho con".

SP:  Ðúng rồi, nó không xứng đáng.

Ðt1:  Vâng. Thật ra, sáng hôm đó, con mang theo máy điện toán đi làm, con để đó khoảng hai tuần. Tối hôm đó, vì con không cãi nhau với nó, nó không kéo mẹ nó vào được, bà xã theo phe con.

SP:  Tôi hiểu.

Ðt1:  Hai chúng con cố gắng giúp nó, và mỗi ngày con nói với nói một cách trìu mến, con cứ lặp lại với nó rằng "Ba thương con". Nó nói "Con ghét ..." nhưng con nói "Ba thương con. Ba thương con". Con nghĩ rằng vì cách đó nó bị hao tổn sức lực nhiều lắm. Thực ra con quảng cáo Sư Phụ. Con nói "Ba đã theo Vô Thượng Sư được 10 năm rồi, chẳng lẽ ba không học được chút kế nào hay sao?" (Mọi người cười)

SP:  Rồi nó nói sao?

Ðt1:  Thật ra sau lần đó, tình cha con tiến bộ rất nhiều.

SP:  Vậy à?

Ðt1:  Con trả máy điện toán lại cho nó, nhưng cũng phải sau nhiều lần thử nó.

SP:  Tôi hiểu.

Ðt1:  Rồi con giúp nó trong sự học hành vì nó đang học học môn mà con đã tốt nghiệp.

SP:  Vậy tốt quá!

Ðt1:  Thành ra quan hệ trở nên tốt hơn.

SP:  Vậy à! Ðược lắm.

Ðt1:  Chúng con từ từ bồi đắp, từ từ bồi đắp, vàmỗi ngày con thấy nó có tiến bộ.

SP:  Ðúng vậy, đó là những thời kỳ khó khăn trong đời chúng, thiếu niên mới lớn, vì các kích thích tố gia tăng.

Ðt1:  Chúng bị nhiều ảnh hưởng xấu chung quanh.

SP:  Vấn đề đó nữa.

Ðt1:  Mấy đứa khác hút sách đủ thứ rồi khoe khoang.

SP:  Tôi biết.

Ðt1:  Con cũng thấy được là những đứa nó làm bạn đẳng cấp rất thấp, là nó bắt mấy đứa đó làm bạn nó. Mấy đứa kia thậm chí không muốn nó, nhưng nó tự ép mình hòa nhập vào.

SP:  Tôi biết, ở trong trường học sinh hay làm vậy. Ðó là áp lực của bạn bè vì muốn mình "ngon". Không phải chỉ mặc quần áo giống nhau, mà còn phải hành động giống như nhau. Nếu người ta uống rượu thì mình cũng phải uống rượu, nếu không thì không được nhập bọn, sẽ bị chê cười này nọ. Quý vị phải coi chừng đừng để nó phải trải qua đủ thứ đau khổ vô ích. Nói cho nó biết giá trị không phải là mình "ngon" mà là một học sinh giỏi giắn, thông minh, tự lập.

Ðt1:  Con có khuyên được nó một vài lần. Có lần xe cứu thương gọi con vì nó nằm ngoài đường lộ sau khi say sưa nôn mửa. Nhưng bữa đó khi đem nó về nhà, con đối với nó rất thương yêu trong suốt thời gian đó, không nóng giận gì cả. Con nói "Ba muốn đợi tới khi nào con khoẻ lại, rồi ba mới đánh con". (Mọi người cười) Vì con biết bị rượu hành như thế nào. Còn có một lần nó bị cảnh sát bắt, lúc đó con đang bệnh quá, nên không đi lãnh nó về được, không biết nó ở đâu. Cho nên ngày hôm sau - nó bị vào khám một đêm - con nói với nó rằng: "Con à! cuộc đời con sẽ như thế này nếu con muốn, nhưng ba biết rằng con có thể làm khá hơn vì con là một đứa bé sáng trí, thông minh".

SP:  Quý vị phải bảo nó viết xuống những gì nó muốn làm với cuộc đời nó. Ðừng bảo nó phải làm gì mà hỏi nó muốn chọn cái gì, muốn làm gì, muốn làm một người như thế nào.

Ðt1:  Nhưng tất cả những điều này là quá khứ rồi. Bây giờ nó đã thay đổi 90 độ. (Sư Phụ: Vậy tốt!) Nó rất chuyên tâm học hành, bây giờ nó chịu thiền.

SP:  -, hay quá!

Ðt1:  Nó rất vui!

SP:  Giỏi quá! Từ như thế mà trở thành như vầy. Tôi hãnh diện về anh.

Ðt1:  Cám ơn Sư Phụ. (Mọi người vỗ tay)

SP:  Cũng do công sức của anh mà được như vậy. Gia đình là vậy đó! Nói cho quý vị hay!


Sự nâng đỡ từ cha mẹ có thể tạo cả một sự khác biệt đối với một đứa trẻ


Ðồng tu 2: Con cũng được Tâm Ấn lúc còn rất trẻ, và con cũng trải qua nhiều áp lực của bạn bè, mọi thứ trong trường. Con đã làm hầu hết những gì sư huynh ấy vừa nói đến.

SP:  Tôi hiểu.

Ðt2: Sau đó đời con xoay chuyển. Con thiền và con biết Sư Phụ lúc nào cũng ở bên con, con biết lúc nào Ngài cũng ở trong con. Rồi đời con thay đổi, con bắt đầu thiền. Sau đó, mọi sự trong đời con đều trở nên diệu kỳ. Hồi nhỏ, con không đi ra ngoài và không phải lúc nào cũng mỉm cười vì mặt trời ló dạng. Nhưng bây giờ, con tràn đầy sung sướng vì có Sư Phụ với con. Con biết rằng mỗi ngày Sư Phụ đều luôn luôn ở bên con.

SP:  Chắc chắn rồi, mỗi ngày.

Ðt2: Con chỉ muốn nói với Sư Phụ rằng con rất cám ơn tất cả những gì Ngài đã làm cho con.

SP:  Tôi rất thích làm việc đó, và tôi thương em!

Ðt2: Cám ơn Sư Phụ, con cũng thương Ngài rất nhiều.

SP:  Tại em là đứa trẻ ngoan, một đứa trẻ rất ngoan.

Ðt2: Cám ơn Ngài rất nhiều về tất cả những gì Ngài đã làm.

SP:  Tôi cũng hiểu em nữa. Tôi thông cảm với em và các thanh thiếu niên. Ngoài kia rất cô đơn. Quý vị nghĩ chúng có bạn, nhưng chúng rất cô đơn. Những đứa không cô đơn là những đứa hung hăng, hay đi bắt nạt trong trường, như đầu đảng. Rồi mấy đứa này bắt mấy đứa kia phải làm những gì chúng muốn. Rồi chúng chọc ghẹo con cái quý vị như là "Mập quá! -m quá!". Chúng gọi bằng tên này tên kia, làm cho mình cảm thấy không ra gì, như là mình là dở nhất lớp, đủ mọi điều, biến đời mình như địa ngục!

Cho nên, bậc phụ huynh phải hiểu rằng trẻ con có vấn đề. Không phải chỉ thảy chúng vào trường rồi quý vị không phải làm gì cả. Quý vị cũng phải hiểu những vấn đề của chúng. Có lúc chúng còn nhập bọn với nhau ăn hiếp một người, một đứa trẻ khác. Rồi đứa trẻ về nhà, dĩ nhiên là buồn bã, không biết phải làm gì! Không nói cho cha mẹ biết được.

Nhiều khi chúng cũng không nắm rõ vấn đề là ở chỗ nào. Chúng chỉ thấy buồn, lại không thể nói cho cha mẹ nghe, vì không biết cách diễn tả những chuyện trong trường. Chúng cảm thấy bất lực, nói cho quý vị biết cũng mắc cở. Cho nên nếu quý vị không phải là bạn thân thiết, chúng sẽ không nói cho biết vấn đề của chúng, cũng vì tự ái nữa. Trẻ vị thành niên có lòng tự ái cao hơn tất cả chúng ta. Tuổi này là lúc chúng phát triển lòng tự tin. Nếu tất cả bạn bè, những người kêu là bạn thân và bạn học, cứ ném đá vào chúng, dĩ nhiên chúng cảm thấy bị vùi dập.

Cho nên, quý vị phải có ở đó cho con cái của mình. Quý vị đã chọn lập gia đình, có con cái thì phải có trách nhiệm. Quý vị phải có mặt ở đó cho con cái của quý vị. Dĩ nhiên quý vị phải ngồi thiền và mọi thứ, nhưng cũng phải có mặt cho con cái mình. Quý vị phải biết tuổi trưởng thành có rất nhiều khó khăn nếu không có tình thương của cha mẹ và gia đình. Dù sao cũng phải để chúng cảm thấy được thương yêu, điều đó rất quan trọng. Chúng phải thật sự cảm thấy vậy mới được. Còn không thì vô trường bị ăn hiếp, về nhà cảm thấy không ai muốn, không ai thương. Cho dù đôi lúc quý vị la rầy, chúng cũng biết quý vị quan tâm! Nhưng nếu quý vị lờ đi, thậm chí không la rầy "Ðược rồi! muốn làm gì đó thì làm". Sau một thời gian không nói chuyện với chúng, chúng sẽ tệ hơn. Chúng đang trải qua một thời gian rất khó khăn trong đời. Tuổi mới lớn là khó khăn nhất! Vì chúng lớn nhanh quá, không hiểu cả chính mình. Cơ thể trưởng thành quá lẹ, chúng khó lòng kềm chế nổi thân thể của chúng. Cho nên nhiều khi chúng làm bể đồ đạc, hoặc đụng độ đủ thứ, vì cơ thể của chúng lớn quá mau.

Những người trẻ tuổi dễ làm bể đồ đạc, dễ hơn là khi lớn hơn hay nhỏ hơn, do cơ thể. Thật đó, tôi không nói đùa đâu! Cơ thể chúng lớn mau, bộ óc của chúng khó ra lệnh. Không quen! Cũng giống như quý vị có một chiếc xe mới, hiểu không? Xe mới, dụng cụ mới, phải mất thời gian. Cộng vào đó là kích thích tố ác nghiệt nổi dậy bên trong, làm chúng cảm thấy như không biết phải làm sao, rất không yên.

Cho nên hãy thông cảm, giúp đỡ, làm bạn, dẫn dắt chúng. Nên nhớ rằng quý vị đã từng ở trong tuổi mới lớn, nhiều việc quý vị đã không hiểu: Tại sao điều này xảy ra, tại sao cơ thể cảm thấy như vậy, sao cảm thấy như vầy, tại sao muốn làm chuyện này? Nhiều điều quý vị không hiểu! Trẻ con cũng vậy!

Tôi rất mừng (Sư Phụ nói với đồng tu vừa kể thể nghiệm của cô) là em rất tốt! Nhưng bao nhiêu đứa trẻ có thể tự kềm chế và tự tin như vậy? Cho nên tôi mừng em là một đứa trẻ ngoan. Tôi mừng là em kiên cường. Vì áp lực xã hội trong trường có thể làm hại đời đứa nhỏ. Có đứa tự tử cũng vì vậy. Nhiều khi trẻ em bên trong rất thông minh, nhưng vì sức phá hoại của những đứa hay ăn hiếp làm cho nó cảm thấy bất lực, rồi điểm bị thấp xuống, hoặc học hành không giỏi vì không tập trung được. Cảm thấy buồn bã, chán nản! Trí thông minh của nó cũng bị hư hại luôn.


Luôn giữ lời hứa với con cái của mình


SP:  Cho nên, có lúc con cái quý vị bị điểm thấp hơn hoặc tự nhiên xuống dốc, quý vị phải biết tại sao, phải nói chuyện với nó. Ðưa nó ra tiệm cà phê nào nó thích nhất, hai người cùng ngồi với nhau, hay với một người, tùy theo nó hợp với ai. Ði chung với cha mẹ hoặc đi chung với cha trước. Nếu nó hợp với người cha hơn thì đi với người cha trước, rồi đi với nhau, rồi về nhà. Nếu nó dặn giữ bí mật thì quý vị giữ bí mật. Giữ lời hứa với trẻ con rất quan trọng. Nếu muốn mua cho nó món gì và đã hứa, thì phải làm. Nếu không làm thì phải có lý do thật chính đáng! Bằng không, chúng sẽ không tin mình. Nếu quý vị tiết lộ bí mật mà không nói cho nó biết trước, lần sau nó sẽ không tin quý vị nữa. Muốn nuôi dưỡng một gia đình không phải chuyện dễ, nhưng tôi mừng là nhiều quý vị cũng khá. Tôi thấy gia đình quý vị con cái ngoan ngoãn. Dù chúng trải qua một giai đoạn khó khăn của cuộc đời, nhờ có quý vị là người nâng đỡ, đưa con cái theo đường hướng tốt, chúng thành người tốt, có thể qua được sóng gió một cách vẻ vang. Ðó là cách nuôi con tốt nhất. Tốt lắm! Tôi chúc mừng quý vị. Tốt cho cả gia đình. Tốt cho tất cả! Tôi rất hãnh diện về quý vị. Tôi thật tình hãnh diện. (Mọi người vỗ tay) Tất cả chúng ta đều có khuyết điểm, cứ cố gắng thôi. Nếu quý vị để ý thấy thì cố gắng sửa đổi. Không phải là chuyện to tát mới làm cho người trong gia đình được vui vẻ, mà là những chuyện nhỏ, chi tiết nhỏ. Những chuyện lớn tự nó giải quyết. Chi tiết nhỏ rất là quan trọng và biểu thị là quý vị quan tâm. Thí dụ, khi quý vị ngồi nói chuyện với con cái vài giờ, hay là cùng nhau chơi đùa, như vậy còn quan trọng hơn là mua đồ chơi thật lớn, rồi lơ là, không nói chuyện. Quý vị quan tâm. Cho nên phải cứng rắn; không cưng hư chúng, giống như đứa trẻ quá tệ. Cho nên, những điều quý vị làm rất tốt. Khi cần thì phải cứng rắn. Chúng muốn gì thì chúng phải bỏ công sức. Chứ không phải chúng muốn gì thì mình cũng mua mà không hướng dẫn chúng theo chiều hướng giáo dục. Như vậy rất tệ, rất sai! Trẻ con nên học giá trị của tư tưởng cao thượng và đời sống giản dị.


Phục hồi hạnh phúc trời ban, nhìn về tương lai không phải quá khứ.


Ðồng tu 3: Thưa Sư Phụ, con muốn cám ơn Ngài về tất cả sự gia trì. Vì lúc nhỏ, con đã chịu nhiều cay đắng ở trường và trong gia đình, nhưng những năm vừa qua con được gia trì rất nhiều, phép lạ xảy ra mỗi ngày, bây giờ con rất vui.

SP:  Bây giờ quý vị tự tin hơn hả? (ÐT3: Vâng) Nó có thể hủy hoại mình, quý vị biết mà. Nếu tuổi thơ quá đau khổ, có thể ảnh hưởng cả cuộc đời, không phải chỉ lúc còn nhỏ thôi. Rất khó để lấy lại được tự tin, nhất là họ rất ác trong trường học, một số người A Tu La. Họ chọc ghẹo quý vị, và làm quý vị cảm thấy rất buồn. Ngay cả nhiều khi quý vị không xấu, nhưng trong mắt của họ, quý vị xấu. Hoặc họ muốn quý vị cảm thấy xấu, vì họ xấu hơn quý vị. Rối họ cứ lặp đi lặp lại như vậy, để cho quý vị cảm thấy mình xấu thật dù quý vị không có xấu. Ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Tôi không thể nhấn mạnh đủ quý vị cần phải thật sự yêu thương và hướng dẫn con cái như thế nào. Quý vị phải hiểu. Thứ nhất: bỏ qua chuyện này. Có người ngu dốt đến nỗi họ không quý trọng người khác, hoặc họ ganh tỵ với mình. Có khi quý vị thông minh hơn, hoặc cha mẹ giàu có hơn, quý vị có nhà cao cửa rộng hơn, hoặc có bạn trai tốt hơn, đẹp trai hơn, rồi họ muốn dìm quý vị xuống. Nhưng vì quý vị còn con nít, chưa hiểu biết gì nhiều. Vả lại quý vị cũng rất dễ thương nữa. Ða số những đứa trẻ bị chọc ghẹo là những đứa trẻ hiền lành dễ thương. Vì những đứa dữ dằn hơn thì đi chọc ghẹo người khác rồi. Còn những đứa hiền lành thì im lặng, lo học hành, làm bài vở, không làm điều gì xấu cả. Bởi vì quá hiền lành, nên không biết cách để tự vệ. Vấn đề là ở đó. Quý vị lấy lại được niềm vui là tốt rồi. Quý vị xứng đáng được vậy. Mọi người đều xứng đáng được vui. Nếu quý vị không vui, thì đó là vấn đề của quý vị. Quý vị phải tìm xem tại sao mình không vui. Trong cuộc sống có chỗ nào phiền nhiễu mình. Có một lần tôi ở Pháp, có một phụ nữ nọ cứ nói với tôi bà ấy cảm thấy buồn bã như thế nào vì chồng bà và gia đình. Cũng không phải là khó giải quyết, nhưng bà ta cứ phiền hà và hỏi tôi hoài. Tôi đã nói mà bà ta không thay đổi. Nên tôi nói: "Bà biết không, nếu là tôi, tôi chỉ nhìn vào cuộc sống mình, thấy chỗ nào quấy rầy mình, bất cứ điều gì làm tôi không vui, là tôi dẹp nó đi!" Bà nói: "Cái gì? Thật sao? Mọi thứ à?" Tôi nói "Bất cứ là gì!" Bà nói: "Chồng thì sao?" Tôi nói: "Nếu ông chồng làm phiền tôi, tôi sẽ bán ổng! (Mọi người cười) Nếu chiếc xe gây phiền phức, tôi sẽ bán chiếc xe. Nếu căn nhà gây phiền toái cho tôi, tôi bán căn nhà". Ðầu tiên tôi nói nếu chiếc xe gây phiền phức, tôi bán chiếc xe. Sau đó tôi nói nếu căn nhà gây phiền toái cho tôi, tôi bán căn nhà. Rồi bà ta hỏi: "Còn chồng thì sao?" Tôi nói "Nếu chồng làm phiền tôi, tôi bán ông chồng!" (Sư Phụ cười) Cần thời gian, ông chồng thì khó hơn, nhưng không phải làm không được. Ðây là một chuyện vui nhưng có thể thực hiện được. Tại sao phải giữ phiền toái cho mình làm gì? Có thể quý vị không dẹp bỏ được bây giờ, nhưng có thể đặt kế hoạch. Cố gắng nhìn về tương lai. Trong trường học cũng vậy, mấy em nhỏ, nếu có ai bắt nạt các em, các em phải về nói với cha mẹ, phải nói thẳng. Nói cho cha mẹ biết, vì cha mẹ sẽ giúp các em. Phải nói cho cha mẹ nghe. Nếu không nói được bằng lời, vì không biết nói sao, khó nói, thì viết thư. Suy nghĩ những gì mình muốn nói, rồi viết xuống. Nhiều khi viết dễ hơn nói vì mình có thời gian hơn để trình bày ý kiến của mình. Vì các em còn nhỏ, có lúc khó nói. Khi quá xúc động trong lúc nói chuyện mình không thể diễn tả được. Cho nên các em suy nghĩ muốn cho cha mẹ biết gì về vấn đề của mình rồi viết xuống, đưa cho cha mẹ.  

 

Giới thiệu trang này đến bạn