Những cải thiện tích cực trên tinh cầu

 

Hòa bình đang vươn lên khắp thế giới

Do Ban Báo chí Florida (nguyên văn tiếng Anh)

Sau khi đóng vai trò công cụ giải quyết một số lớn những vụ hòa giải hòa bình trên khắp thế giới trong thập niên qua, vào ngày 20 tháng 12, 2005, Liên Hiệp Quốc đã chính thức thành lập một Ủy ban Xây dựng Hòa bình. Ủy ban mới này sẽ giúp bảo đảm những thỏa hiệp này được duy trì trong tương lai, rất lâu sau khi dư luận thế giới và công chúng đã hướng sự chú ý của họ đi nơi khác.[1]

Theo bản Báo cáo An ninh Nhân chủng năm 2006, LHQ đã giữ một vai trò trọng yếu trong việc giảm thiểu chiến tranh một cách rất đáng kể trong suốt thập niên qua. Nhiều học giả hiện nay đã tiên đoán chiến tranh trên địa cầu sẽ chấm dứt. Ðiều này nghe có vẻ ngạc nhiên, nếu xét theo sự gia tăng tin tức đăng tải về diễn biến quốc tế. Tuy nhiên, theo một quan điểm lịch sử về lâu dài, thì thế giới đang tiến vào một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng chưa từng có trước đây.[2]

Trên 15 năm qua, những cuộc chiến tranh trên thế giới đã giảm bớt hơn 50%. Chiến tranh giữa những quốc gia kém phát triển đã ngưng hẳn một cách cần thiết, và những chi phí về quân sự theo mỗi đầu người trên toàn cầu đã giảm sút. Hơn nữa, hòa bình trở thành mục tiêu chính yếu của nhiều quốc gia. Trên toàn thế giới, có 27 quốc gia đã hoàn toàn loại bỏ lực lượng quân sự của họ. Án tử hình đã bị cấm đoán tại trên 100 quốc gia, và con số này mỗi năm mỗi tăng. Số lượng những quốc gia thường hay ngược đãi những nhóm thiểu số đã giảm phân nửa trong vòng năm chục năm qua, trong khi số lượng những quốc gia dân chủ đã nhảy vọt lên 50% kể từ 1990. Và trong khi hầu hết các nước dân chủ không bao giờ gây hấn với nhau, thậm chí ngay cả Trung Quốc, một nước lớn phi dân chủ, cũng đã quyết tâm cho sự phát triển hài hòa mà không cần phí tổn lớn về quân sự.


PHI CHÂU

Tổng Thống Liberia, bà Ellen Johnson-Sirleaf

Vào ngày 5 tháng 5, 2006, một lãnh tụ chính quân phiến loạn Sudan đã ký hiệp ước hòa bình với chính phủ Sudan, đánh dấu sự chấm đứt cuộc chiến kéo dài ba năm tại miền Darfur của Sudan. Darfur, một miền rộng khoảng gần bằng nước Pháp, đã bùng nổ cuộc nội chiến vào đầu năm 2003. Cuộc chiến đã làm cho 180 ngàn người thiệt mạng và 2,4 triệu người không nhà cửa.

Một thời kỳ đàm phán gay cấn đã diễn ra trước khi ký kết bản hiệp ước hòa bình, và nhiều thời hạn đã đến rồi qua đi. Thực ra cho đến giờ chót trước buổi lễ ký kết vào tháng 5, không ai biết được lãnh tụ phiến loạn có chịu ký hay không. Trong khi đó, một nguy cơ thật nghiêm trọng là chiến tranh có thể lan qua thành một cuộc nội chiến tại nước láng giềng Chad, và khơi ngòi cho những nhóm ly khai Trung Ðông nổi dậy. Mãi đến sau một tuần lễ đầy áp lực từ các nhà ngoại giao Phi Châu, Âu Châu và Mỹ Châu, lãnh tụ phiến loạn mới đồng ý ký kết hòa bình.

Thỏa hiệp này còn đánh dấu một khúc quanh lịch sử quan trọng tại Ðông Phi, bởi vì cuộc chiến tại vùng Darfur bắt nguồn lâu đời từ thế kỷ thứ 13, khi những bộ lạc du mục nuôi bò, cừu và dê để lấy thịt tiến vào một vùng đã có những nông dân trú ngụ. Sự tranh chấp cứ tiếp diễn giữa những bộ lạc và nông dân địa phương kể từ thời đó.[3] Cuối cùng bây giờ mới thực sự có hy vọng là các lãnh tụ phiến quân hội nhập với chính quyền Sudan để tái tạo lại miền Darfur, khởi đầu bằng những sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

Một hiệp ước hòa bình tương tự cũng được ký kết trong tháng 5, 2005 tại Burundi, chấm dứt cuộc nội chiến lâu dài tại quốc gia này. Cả hai hiệp ước Burundi và Sudan được hoàn thành phần lớn nhờ vào sự tiếp tay của Liên Hiệp Phi Châu (AU), một tổ chức được thành lập năm 2002 phỏng theo Liên Hiệp Âu Châu (EU). Sau cùng, AU hy vọng sẽ thiết lập một hệ thống tiền tệ, lực lượng quân sự chung cho Phi Châu, cùng những cơ quan khác để duy trì hòa bình tại Phi Châu.

Vào tháng 11, 2005, một diễn biến thật sự ngoạn mục đã xảy ra tại Liberia, bà Ellen Johnson- Sirleaf đã trở thành vị nữ tổng thống đầu tiên tại Phi Châu. Kết quả cuộc đầu phiếu này còn đáng chú ý hơn bởi vì Liberia vừa mới thoát ra khỏi một chế độ độc tài và cuộc nội chiến. Vượt ngoài mọi dự tính, bà Johnson-Sirleaf, một cựu viên chức LHQ và Ngân hàng Thế giới, là người rất được cộng đồng thế giới nể trọng, đã đánh bại nam ứng cử viên có tiếng trong một cuộc bầu cử mà nhiều người dân Liberia đã đứng suốt ngày trong sức nóng để bỏ phiếu. Ðặc biệt hơn nữa là cuộc bầu cử đã diễn ra rất hòa bình và không có một sự bạo động hoặc tham nhũng nào như đã từng xảy ra trong các cuộc bầu cử tại Liberia trong quá khứ. Bởi thế, cuộc bầu cử này đã được chào đón như một dấu hiệu chính trị tiến bộ thật sự tại Phi Châu.

ÂU CHÂU

Sau nhiều thế kỷ tranh chấp mâu thuẫn mà cực điểm là hai cuộc thế chiến, Âu Châu ngày nay đang hưởng thụ một thời kỳ hòa bình bền vững, và thiết lập nhiều thể chế giúp bảo đảm nền hòa bình vĩnh cửu cho những thế hệ mai sau. Một trong những thực thể đó là tổ chức Liên hiệp Âu Châu (EU), khởi đầu từ một liên minh giao thương trong năm 1950 rồi tiến dần thành một giao hưởng của những quốc gia riêng biệt nhưng liên kết với nhau, cùng chia sẻ những lý tưởng chung và mở cửa biên giới. EU là tổ chức yểm trợ chính cho Liên Hiệp Quốc và đóng góp gần một nửa ngân sách của LHQ.

Liên hiệp Âu Châu đã gây niềm hứng khởi không những như một tổ chức gương mẫu cho những nhóm khác noi theo như Liên Hiệp Phi Châu, mà còn làm động cơ thúc đẩy các quốc gia khác quay hướng về hòa bình. Chẳng hạn như, vào đầu thập niên 1970, Hy Lạp, Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha đều được cai trị bởi chính thể quân sự độc tài, nhưng tất cả đã trở thành dân chủ hòa bình để gia nhập vào EU. Chuyện tương tự cũng đang xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này đã bãi bỏ án tử hình, cải thiện quyền lợi con người, và cải cách chính quyền để được gia nhập vào EU.

TRUNG ÐÔNG

Một cảnh sát viên Ấn độ (bên phải) chào đón tài xế xe buýt người Pakistan tại biên giới Ấn-Pakistan

IVào tháng 12 năm 2005, dân chúng Iraq đã tham gia cuộc bầu cử phổ thông đầu tiên. Các quan sát viên quốc tế ngạc nhiên vì tỷ lệ đi bầu rất cao (70%) cũng như không khí hòa bình và trật tự trong cuộc bầu cử. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, các khoa học gia chính trị đã sửng sốt nhận thấy rằng đa số dân chúng Mỹ đã hoàn toàn phản đối chiến tranh trong năm 2005 sau khi chỉ mới có 1500 quân nhân Mỹ bị thiệt mạng.

Cuộc nghiên cứu chứng tỏ rằng người ta trở nên rất mẫn cảm đối với sự bạo động, nhiều hơn so với những cuộc xung đột trước kia như cuộc chiến tại Việt Nam. Người ta cũng trở nên cảnh giác về những hậu quả tiêu cực của chiến tranh như bệnh Rối loạn thần kinh hậu chấn thương lòng (Post Traumatic Stress Disorder - PTSD), mà trong quá khứ chưa từng nghe bàn tới. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng người ta đang phát triển một trào lưu chán ghét chiến tranh.[4]

Còn có những dấu hiệu hòa bình khác khắp vùng Trung Ðông. Những phiến quân Hồi giáo tại Yemen và Algeria mới đây đã từ bỏ những cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm trước đây. Tại Do Thái, trung tâm của những sự xung đột phức tạp nhất của thế giới, vào tháng 9 năm 2005, vị thủ tướng đã tình nguyện rút quân ra khỏi vùng Gaza, miền đất Do Thái đã chiếm cứ từ năm 1967. Ðây là đề nghị mới nhất trong hàng loạt những đề nghị hòa bình đáng kể của Do Thái dành cho người Palestine trong những năm gần đây.

Vào tháng 2 năm 2006, các chuyên viên Hoa Kỳ đã bay sang Libya để giúp quốc gia này bắt đầu phá hủy những vũ khí hóa học. Từng một thời là kẻ thù lớn của Hoa Kỳ, Libya bắt đầu từ bỏ vũ khí nguyên tử, vi trùng và hóa học vào năm 2003, và mới đây nhất đã mời các chuyên viên ngoại quốc đến giúp phá hủy số vũ khí còn lại.

Sự liên hệ giữa Ấn Ðộ và Pakistan, gần như đổ vỡ vì chiến tranh năm 2002, giờ đây đã giao hảo tốt trở lại. Cả hai nước đều có tổng thống mới, người nào cũng quyết tâm vì hòa bình. Một số đường xe buýt và xe lửa xuyên biên giới gần đây được mở, và vào ngày 3 tháng 5, 2006, tổng thống Ấn Ðộ, ông Manmohan Singh, đã khánh thành một đường xe buýt mới giữa Ấn Ðộ và Pakistan. Ông cũng đem lại hy vọng một thỏa ước hòa bình giữa hai quốc gia.


Á CHÂU

Trong năm 2003, Trung Hoa đã công bố một chính sách "nâng cao hòa bình", gồm có sự phát triển bang giao với các quốc gia khác qua đường lối ngoại giao thay vì chiến tranh. Chính quyền Trung Quốc đã thực hiện chính sách này bằng cách giải quyết nhiều vụ tranh chấp biên giới và ký kết nhiều hiệp uớc khẳng định cùng những thỏa hiệp giao thương với những nước khác. Thậm chí ngay cả nền kinh tế của Trung Hoa đang tiếp tục tăng trưởng một cách nhanh chóng, họ cũng tránh chống đối những nước khác bằng cách nhấn mạnh sự khiêm nhường và kính trọng đối với những quốc gia khác. Cung cách này tương phản với thái độ hung hãn răn đe dùng quân sự như trong quá khứ. Kết quả là một chuyện chưa từng có qua trong lịch sử - một cường quốc lớn trên thế giới đã vươn lên một cách hòa bình mà không cần xây dựng một lực lượng quân sự lớn lao. Chính sách "nâng cao hòa bình" cuối cùng đã có hiệu quả nâng cao thái độ thảo luận về chính sách đối ngoại trên toàn thế giới.

Vào tháng 6 năm 2006 sắp tới, cựu Tổng thống Nam Hàn Kim Dae-jung sẽ đến Bắc Hàn gặp gỡ Chủ tịch Kim Jong-il. Vị tổng thống Nam Hàn này đã làm một chuyến đi lịch sử tương tự trong năm 2000, mở đường cho việc bang giao giữa hai miền nam bắc lần đầu tiên trong một nửa thế kỷ, vì việc này ông Kim Dae-jung được trao giải thưởng hòa bình Nobel. Kể từ đó, Nam Hàn theo đuổi chính sách "Ánh Mặt Trời" cấp viện trợ cho Bắc Hàn mà không tìm cách lật đổ chính phủ này.

Những chính sách tự do của cựu Tổng thống Kim Dae-jung đã mang lại nhiều áp lực từ các lãnh tụ quân sự quốc ngoại, nhưng ông đã đạt được lòng tin của dân chúng của cả hai miền Nam và Bắc Hàn vì thái độ thành thật, hợp lý, và bình lặng của ông. Một kết quả là hàng ngàn gia đình đã có thể qua lại biên giới được canh gác cẩn mật nhất thế giới để đoàn tụ với gia đình họ lần đầu tiên trong nhiều năm. Mục tiêu kế của ông Kim Dae-jung là kỳ hội kiến tháng 6 này, ông sẽ dùng xe lửa dọc theo con đường mà từ trước tới nay chưa bao giờ có. Cho nên, trong khi biên giới được thả lỏng giữa các quốc gia như Ấn Ðộ và Pakistan, vùng vịnh từ trước đến giờ phân chia hai miền Nam và Bắc Hàn đang dần dần được nối lại bởi một nhịp cầu tin tưởng.

Hai vị lãnh đạo Nam vàBắc Hàn năm 2000

Kim Dae-jung

KAMPUCHIA

Quốc vương Kampuchia

Một trong những câu chuyện hòa bình đáng chú ý nhất tại Á Châu xảy ra tại xứ Kampuchia. Vào thập niên 1970, hàng triệu người Kampuchia đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến. Sau khi chính quyền hoàn toàn tan rã, LHQ bèn lập ra một chính phủ song phương gồm có hai thủ tướng của hai phe đối lập, cộng thêm một quốc vương. Rất ít người tin rằng một chính phủ như vậy có thể tồn tại lâu, và chính phủ này đã gần như sụp đổ vào năm 1997, nhưng kỳ diệu thay nó vẫn tiếp tục khi một vị thủ tướng lên dẫn đầu, tuy vậy vẫn để người kia ở lại trong chính quyền, đồng thời rất tôn kính quốc vương.

Cán cân không chắc này đã tạo ra một thời kỳ hòa bình chưa từng có trước đây trong lịch sử quốc gia này, khiến nền kinh tế có thể tăng trưởng, và kỹ nghệ du lịch phát triển một cách vững chắc. Hiện giờ một thế hệ trẻ mới, không có ký ức gì về chiến tranh, cuối cùng đã vươn lên. Kampuchia đang chuyển mình từ một nước khốn khổ nhất trở thành một trong những quốc gia đẹp đẽ và hòa bình nhất trên địa cầu. Mặc dù có một quá khứ bạo động, Kampuchia nay là một trong vài nước đã hoàn toàn hủy bỏ án tử hình trong hiến pháp của họ.

Khái niệm chiến tranh, một thời từng là một sự triền miên cơ bản không dứt trong xã hội loài người, giờ đây đang trở thành một tư tưởng lỗi thời. Những xã hội một thời từng đề cao anh hùng chiến sĩ và sẵn sàng gửi con em của họ đi chiến đấu, giờ đây cũng xét lại vấn đề một cách quyết liệt. Những quan niệm mới đã hoàn toàn nổi dậy. Những nghiệp đoàn quốc tế, những liên minh và những tổ chức phi chính phủ (NGO) giờ đang thay thế những đế quốc trước kia thường gây chiến từ hàng ngàn năm nay. Rạng đông của hòa bình đã ló dạng.

1.http://www.un.org/peace/peacebuilding/
2.http://www.humansecurityreport.info/
3.http://fpc.org.uk/search/eichenberg/
4.http://www.nytimes.com/2005/05/28/opinion/28tierney.html?ex=1274932800&en=e99a387145e744f8&ei=5090&partner=rssuserland&emc=rsshttps://ssl.tnr.com/p/docsub.mhtml?i=20050530&s=easterbrook053005


Giới thiệu trang này đến bạn