Một chứng minh khoa học
về sức mạnh của ý chí


Do sư huynh đồng tu David .R. Brooks,
Perth, Úc Ðại Lợi (nguyên văn tiếng Anh)


Khoảng 30 năm về trước, tôi có đọc về cuộc thí nghiệm của Cleve Backster cho thấy khả năng của thực vật có thể dò cảm xúc con người. Tôi kể về đề tài này với các bạn đồng nghiệp của tôi, họ tỏ ra rất thích thú; vì vậy chúng tôi quyết định làm một cuộc thử nghiệm trong giờ ăn trưa của chúng tôi.

Trong văn phòng có một thực vật lá xanh loại trồng trong nhà, chúng tôi lấy dùng làm vật thí nghiệm. Chúng tôi đặt nó trên bàn và sắp xếp để đo lường dòng điện phản xạ giữa hai chiếc lá, dùng những khăn giấy ướt lót trên mỗi lá và một máy đo điện Ohm.

Theo phương thức của Backster, giai đoạn kế là đốt cháy một chiếc lá của cây để đo sự phản xạ. Ai là người tình nguyện? Chúng tôi nhìn nhau. Mặc dù theo tôi biết là không ai trong chúng tôi theo đuổi việc tu hành vào lúc đó, nhưng cũng không ai muốn làm hại cây cả. Trong khi chúng tôi đang lưỡng lự, chiếc máy đo không có gì thay đổi đáng kể.

Sau cùng, một trong chúng tôi, muốn tỏ ra là ‘một người cứng cỏi’ nói, “Ðưa hộp quẹt cho tôi, tôi sẽ đốt ...” Nhưng trước khi anh ta đứng lên khỏi ghế, thì chiếc máy đo nhảy vọt lên gấp đôi mức đọc trước kia! Dĩ nhiên là chúng tôi đã ngăn anh ta lại, nói rằng sự kiện này đã được chứng minh rồi và không cần phải làm hại cây nữa. Lúc đó chiếc máy đo chạy xuống chầm chậm trở lại mực đo cũ.

Về sau khi suy nghĩ lại chuyện này, tôi nhận thức ra rằng phản xạ gia tăng mà chúng tôi đã thấy thật đúng là điều đã dự đoán. Ðối với thực vật, lửa cháy là một điều kinh hoàng nhất có thể xảy ra. Cây không thể chạy thoát được, vì thế nó rút lực sống của nó lại từ những chiếc lá đã bị hăm dọa. Với chất ẩm trong lá ít đi, dòng điện chạy qua cũng ít hơn. Ðiều này được ghi nhận bởi chiếc máy đo.

Phản ứng của thực vật đã chứng minh xa hơn những nguyên tắc mà Sư Phụ đã đề cập về sự quan trọng của việc giữ gìn thân khẩu ý cho được trong sạch. Trong trường hợp này, chiếc máy đo không di động một cách đáng kể khi những ý nghĩ của chúng tôi cho thấy có sự miễn cưỡng trong việc làm hại cây. Tuy nhiên, nó phản ứng lại ngay tức khắc đối với sự thay đổi ý định biểu lộ qua lời nói ra sau đó. Thí dụ này tuy nhỏ nhưng là một sự nhắc nhở hùng hồn về giáo lý của Sư Phụ rằng mọi thứ chúng ta nghĩ và nói có một sự ảnh hưởng đến môi trường chung quanh của chúng ta.  


Ghi chú: Xin tham khảo Bản Tin 163, mục “Giới thiệu sách hay” để xem bài viết liên quan đến thí nghiệm của Cleve Backster về thực vật.


<< >>
Giới thiệu trang này đến bạn