Buông bỏ tất cả thì sẽ được tất cả

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị, Trung tâm Tây Hồ, Formosa, ngày 12 tháng 7, 1995 (Nguyên văn tiếng Anh) Băng thâu hình số 489

Ða số Minh Sư đều nói rằng nếu chúng ta bỏ hết tất cả thì sẽ được tất cả. Thánh Kinh cũng nói rằng: “Những ai bám víu vào đời sống”, như là bám giữ đời mình, “thì sẽ mất đời sống. Còn người nào xả bỏ được thì sẽ sống đời đời”. Cũng vậy, nếu mình không thật sự lưu luyến bất cứ của cải nào, danh vọng gì trong cõi đời này, thì mọi thứ thật sự sẽ đến với mình. Nhưng một khi đã trở thành nô lệ bất cứ thứ gì trên đời này, thì chúng ta sẽ mãi mãi đuổi theo nó hoài rồi trở thành kiệt sức, mệt mỏi, tâm thần yếu kém. Ðủ mọi rắc rối sẽ đến với mình mà chưa chắc mình đã được gì.

Thật sự là như vậy. Tôi nói đây cũng là từ kinh nghiệm bản thân. Khi nào chỉ tìm kiếm Thiên Quốc thôi, chúng ta mới thật sự có tất cả. Dù chúng ta không muốn, nó cũng đến không biết từ đâu; nó tìm đường đến với mình. Nhiều khi không muốn cũng phải nhận. Ðôi khi cũng rất khó mà từ chối. Ở đây chúng ta nghiêm khắc, rất tốt cho tôi. Nếu không, quà cáp sẽ tới lu bù, đầy ắp. Hồi đó tôi có nói là: “Không nhận quà!” nhưng người ta cứ thảy đại ở đó rồi chạy mất. Tội nghiệp tôi, phải gom nhặt lại đem cho người khác. Vậy cho tôi để làm gì chứ? Bởi vì tôi thật sự chẳng cần gì cả.

Thật tức cười! Như Thánh Kinh nói: “Kẻ có thì sẽ có thêm” còn “kẻ không có gì cả thì lại có ít đi”. Nhưng như vậy không có nghĩa là nếu quý vị không có gì cả thì sẽ có ít hơn nữa, mà là khi quý vị không có gì cả là lúc đang muốn nhiều nhất: quý vị cứ muốn, muốn hoài. Cái ý lực muốn đó trở thành như một bức tường, ngăn chặn không cho những thứ khác đến với quý vị. Tương tự như vậy, chúng ta phải thành tâm tu hành, nhưng đừng tham lam, đừng như những nhà tâm linh thiên về vật chất.

Mọi thứ tự nhiên sẽ đến. Chúng ta có thể cầu nguyện, nhưng hãy cầu bằng lòng thành, chứ không phải bằng sự tham lam, đòi hỏi. Có một sự khác biệt rất là nhỏ! Nếu quý vị có thể biết được sự khác nhau giữa sự ham muốn và sự mong mỏi, niềm khao khát được giải thoát, khao khát trí huệ và khao khát biết được Chân lý – giữa khát vọng muốn biết Chân Lý và tham vọng có một sự khác biệt rất nhỏ.

Nếu không giữ quân bình, chúng ta sẽ hoặc là bước bên này hay bước qua bên kia. Bước bên kia thì tốt, bên khao khát về tâm linh, thì hôm đó mình sẽ thiền rất tốt. Nhưng không phải hôm nào cũng phải cầu như vậy, chỉ khi nào mình không làm được thôi. (Sư Phụ chỉ tay vào mắt huệ) Khi nào đen thui hoặc khi nào thấy tối đen, xám xịt, thì khẩn cầu Sư Phụ, rồi nó sẽ xảy ra. Luôn luôn xảy ra. Trước khi tôi vào cái “nghề” này, rất hiếm khi tôi thấy vị Minh sư không trả lời. Vị Thầy bên trong ít khi nào phủ nhận lời cầu nguyện của quý vị. Khi vị Thầy từ chối, có nghĩa là lời cầu xin đó có lẽ không tốt cho tôi. Sau đó tôi sẽ biết. Nhiều khi vị Thầy lấy đi của mình một cái gì đó, làm cho mình rất khổ tâm, nghĩ rằng: “À, Sư Phụ không thương; Sư Phụ biết mình thích mà sao Ngài lại lấy đi của mình?” Nhưng không phải vậy. Sau này, quý vị sẽ thấy mừng là Ngài lấy đi cho mình. Là như vậy.

Tôi không bảo đảm là nếu quý vị cầu Minh sư, Ngài cho quý vị một người chồng tốt hay một người vợ hiền, một người đẹp và chung thủy, rồi quý vị sẽ hạnh phúc. Không có! Phải trả giá rất cao, làm việc cực khổ. Nếu quý vị muốn thì quý vị có thể được, rồi ráng bỏ công sức vào. Nhưng đừng nói hoài: “Sư Phụ, xin giúp con!” Sư Phụ không thể can thiệp vào những vấn đề như vậy, tại vì còn nhân quả nữa. Ai có duyên nợ với nhau, làm chồng vợ, làm cha, mẹ, làm con, v.v... đều do nhân quả. Có nghiệp chướng. Và tùy vào nghiệp chướng của quý vị như thế nào, mối quan hệ của quý vị với người kia sẽ ngọt bùi hay chua chát.

Nếu quý vị không muốn một chút nào cả thì cũng được. Sư Phụ cũng có thể hủy bỏ hoàn toàn; như vậy lẹ hơn. Bỏ thì lẹ hơn là duy trì sau này. Nhưng hầu hết chúng ta sanh ra là đã có định nghiệp rồi, và trước khi chào đời, chúng ta đã sẵn lòng gia nhập với người nào đó, để tăng cường sức mạnh của mình về thể xác, tinh thần và tâm linh, để tiếp tục công việc trên thế gian này. Vì thế chúng ta rất sẵn lòng làm chuyện đó.

Nhưng nhiều người không sẵn lòng, nên họ mới bỏ chạy, đi xuất gia, hay làm việc thiện nguyện gì đó bằng cách dành thời giờ, tuổi trẻ và sức lực vào mục đích có ý nghĩa hơn trong đời sống. Như vậy cũng san bằng nghiệp chướng của họ. Những người này kiên cường hơn, không cần sự nâng đỡ bên cạnh hay đàng sau, họ có thể tự sống một mình. Nhưng nhiều người cảm thấy cuộc đời quá cô đơn, vô nghĩa, họ cần một người nào đó để chia sẻ những thăng trầm, đưa đẩy, chông gai của cuộc đời.

Như vậy cũng được; cả hai đều được. Người sống một mình thì tăng cường sức mạnh qua công việc, lòng hy sinh và những theo đuổi khác trong đời sống. Còn người sống với bạn đường thì củng cố sức mạnh của nhau bằng sức mạnh của đối tượng. Cho nên cả hai đều được củng cố một phần nào qua những cách khác nhau. Thượng Ðế luôn luôn bù vào chỗ thiếu, nên đời sẽ không bao giờ quá đau khổ hay không thể chịu đựng nổi, nếu mình có lực lượng Minh sư tiếp tế bên trong. Chúng ta thiền và thật sự không đòi hỏi gì nhiều ở đời này. Ngày tháng trôi qua một cách nhẹ nhàng hơn; chúng ta làm mọi việc ít chấp nhất hơn, và nhìn người khác bớt tham luyến hơn xưa.

Ðó là điều rất tốt về việc tu tập lực lượng nội tại. Một ngày nào đó, những tham luyến này hoàn toàn mất đi. Chúng ta cảm thấy bên trong hạnh phúc và vô cùng sung mãn, tới nỗi là trừ phi người ta cần tới mình, chúng ta không đi tìm rắc rối. Thậm chí cũng không đi kiếm cách giúp đỡ người nào, như nói rằng: “Chao ôi, thấy ông khổ sở quá, tôi sẽ giúp ông”. Không, không! Chúng ta sao cũng được. Giúp hay không giúp, nói chuyện hay không nói chuyện, dạy dỗ hay không dạy dỗ, cũng không sao; bởi vì chúng ta đã hoàn toàn và sung mãn bên trong chính mình. Chúng ta không cần bất cứ điều gì như sự kích thích từ bên ngoài, động cơ, mục đích để đạt, ý muốn khoe khoang, hay tình yêu gánh trên vai. Không gì cả!  
--->


<< >>
Giới thiệu trang này đến bạn