Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị, Tây Hồ, Miêu Lý, Formosa,
ngày 29 tháng 10, 1988 (nguyên văn tiếng Trung Hoa)
MP3-CG03

Tôi muốn nói cho quý vị biết vài bí quyết tại sao một số người tu hành tiến bộ nhanh chóng, trong khi một số khác tiến bộ chậm chạp. Quý vị có muốn biết không? (Ðại chúng đáp: Muốn! Mọi người vỗ tay nhiệt liệt) Quý vị có nghe câu truyện của Milarepa chưa? Nếu có người chưa nghe, tôi sẽ kể qua một lần nữa.

Sau khi cha Milarepa qua đời, tất cả tài sản của ông bị ông chú và bà dì lừa gạt lấy hết. Dù rằng cha ông đã nhờ họ chăm sóc cho vợ con, họ không chăm sóc mà còn bắt hai mẹ con phải làm việc, sống cuộc đời nghèo đói không đủ y phục và thức ăn, bị đối xử như người làm. Do đó, Milarepa và mẹ rất thù họ.

Về sau, mẹ Milarepa bảo ông đi học hắc thần thông; để dùng hắc thần thông giết tất cả những thành viên trong gia đình người chú, tổng cộng hơn 30 người. Do nghiệp chướng này, Milarepa gặp vô số chướng ngại trong tiến trình tu hành. Nhưng ông chỉ hối hận và sợ hãi sau khi đã giết người. Vị thầy dạy ông hắc thần thông cũng bảo: "Ngươi phải nhanh chóng tìm một vị Minh sư khai ngộ để tự cứu mình. Sau khi đã tìm được Minh sư, ngươi phải trở lại đây cứu ta. Bằng không, cả hai chúng ta sẽ xuống địa ngục, do nghiệp chướng tạo nên từ việc dùng hắc thần thông giết người quá nghiêm trọng!"

Nghe những lời này, Milarepa dĩ nhiên là tức tốc đi tìm một vị Minh sư khai ngộ. Nhưng vị Minh sư ông tìm gặp từ chối dạy ông bất cứ gì, mặc cho ông van nài đến đâu. Mỗi ngày, vị Minh sư chỉ sai ông làm việc cực nhọc cho đến khi kiệt lực. Ðôi khi, vị Thầy bảo ông khiêng tảng đá khổng lồ lên đồi, rồi sau đó lại bảo: "Như vậy không đúng. Dời tảng đá xuống". Nhưng sau khi ông dời tảng đá xuống, vị Thầy lại bảo ông khiêng lên núi. Vị Thầy cũng bảo ông xây một căn nhà rồi dẹp đi; rồi sau khi ông đã dẹp bỏ, vị Thầy lại bảo ông xây lại. Tuy nhiên, sau 7 năm thử thách, cuối cùng vị Minh sư dạy ông phương pháp tu hành.

Chúng ta đã nghe rằng một cái nhìn của một vị Minh sư khai ngộ có thể được xem như Tâm Ấn, nếu quý vị thành tâm. Tại sao Milarepa không có kết quả gì sau khi sống với vị Minh sư 7 năm trời, và làm việc thật cực nhọc mỗi ngày? Tại sao vị Minh sư không chính thức truyền dạy cho ông pháp môn tu hành? Ðó là bởi vì ông đã tạo ra nghiệp chướng quá nghiêm trọng.

Chỉ thật sự sám hối mới có thể hoàn toàn tiêu trừ nghiệp chướng


Chúng ta đã nghe rằng nếu sám hối, tất cả nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ. Vậy tại sao Milarepa mất đến 7 năm mới tiêu trừ được nghiệp chướng sau khi đã sám hối? Có thể là vì ông không thành tâm sám hối. Nếu lực lượng sám hối của chúng ta có giới hạn, nghiệp chướng vẫn tồn tại sau khi chúng ta sám hối. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình sám hối hoàn toàn, nhưng thật ra là chưa.

Milarepa thậm chí còn muốn lừa gạt thầy mình. Khi vị Thầy ông bảo ông làm việc, ông than phiền và thậm chí còn nói với thầy mình: "Sư Phụ mới bảo con làm việc này. Bây giờ Sư Phụ lại bảo con dời trở lại. Tất cả đều là do ý của Sư Phụ!" Ông không cảm tạ Thầy mình, mà thay vào đó còn tranh biện với Thầy. Milarepa không biết Thầy ông phải khổ não vì ông đến mức nào. Thầy ông phải nén tình cảm và dùng cách nặng nề nhất để giúp ông rửa nghiệp. Quý vị thấy chứ? Nếu Milarepa thật sự sám hối, ông sẽ không quản ngại thống khổ, vì ông hiểu sự khổ tâm của Sư Phụ mình. Ông sẽ nói: "Nghiệp chướng của con thật nặng nề, cho dù con có thống khổ đến đâu cũng không đủ trả nghiệp. Con cũng chưa khổ bằng những kẻ đã bị con giết". Ông lẽ ra phải nghĩ như vậy.

Tuy nhiên khi đó ông không nghĩ như vậy, mà mỗi ngày cứ than phiền: "Tại sao Sư Phụ không truyền pháp môn cho ta? Ta đã đối xử thật tốt với Sư Phụ. Tại sao Sư Phụ không đối tốt với ta?" Sau đó ông còn định lừa thầy qua bà vợ của thầy và một đệ tử để học pháp môn. Ông dối gạt người đệ tử, nói rằng: "Sư Phụ bảo anh dạy pháp môn cho tôi". Ðiều này cho thấy ngã chấp của ông vẫn còn, ông nghĩ rằng Sư Phụ đã đối xử không tốt với "ta".

Tại sao như vậy? Ðó là bởi vì những kẻ đã sát sanh có trái tim rất lạnh lùng. Sau khi giết người, họ quên mất nghiệp chướng nghiêm trọng mà họ đã tạo nên. Chỉ những kẻ có tim lạnh mới có thể giết hại nhiều sinh mệnh như vậy. Những kẻ có tim lạnh như vậy rất khó tu hành tiến bộ, bởi vì họ bị một từ trường khí lạnh bao quanh, hấp dẫn những khí lạnh khác. Giả sử tim chúng ta lạnh lùng, chúng ta không thể hấp dẫn một từ trường yêu thương. Ðó là lý do tại sao chúng ta tu hành chậm chạp. Do đó, Tôi đã có nói: "Ðiều khó nhất là hoàn toàn vâng lời Minh sư, và hoàn toàn tiếp nhận chỉ thị của Minh sư".

Rất ít người có thể làm y theo chỉ thị của tôi. Cho dù bên ngoài quý vị không tranh biện, nhưng bên trong quý vị tranh đấu. Quý vị nghĩ: "Sư Phụ nói điều này, điều kia mỗi ngày. Ta không nghĩ những điều này là đúng, nhưng Ngài vẫn bảo ta phải làm". Hoặc là: "Sư Phụ chỉ là người nữ, và còn trẻ. Ngài không phải là một chuyên gia trong ngành này. Ngài biết được bao nhiêu về việc này?" Hầu hết quý vị nghĩ như vậy, tranh chấp bên trong khiến cho quý vị khó tiến bộ. Ðó là vì quý vị không thể phản lão hoàn đồng, không thể vô tư như trẻ thơ. Trong Thánh Kinh có đề cập chúng ta phải trở thành trẻ thơ, để có thể bước vào Thiên Quốc của Thượng Ðế. Lão Tử cũng nói: "Chúng ta phải phản lão hoàn đồng mới có thể đắc Ðạo". Các Ngài dùng những lời lẽ khác nhau, nhưng cùng một ý nghĩa.

Ðó là lý do tại sao tôi bảo quý vị không sát sanh và giữ giới luật nghiêm minh. Dù biết mình có trái tim lạnh, chúng ta vẫn phải cố gắng khống chế mình, thay vì cứ để trái tim lạnh mãi. Chúng ta có thể tự kiểm soát mình. Nếu chúng ta có một trái tim lạnh, nhưng chưa làm việc gì lạnh lùng nhẫn tâm, thì từ trường của chúng ta sẽ không quá lạnh, và sẽ không hấp dẫn những khí phận chậm chạp, chướng ngại, ngăn trở. Quý vị phải hiểu đạo lý "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", có nghĩa là những thứ cùng một phẩm chất sẽ hấp dẫn lẫn nhau.

Nghiệp chướng mà chúng ta tạo nên không thể được xóa bỏ chỉ bằng cách sám hối đơn giản, bởi vì bất cứ hành động, tư tưởng, động tác, ý niệm gì mà chúng ta có sẽ tích tụ tại từ trường của mình. Một khi tư tưởng được gửi đi, chúng không thể được thu hồi lại, và không sớm thì muộn chúng sẽ phát triển. Do đó, tốt nhất là chúng ta không tạo nên nghiệp chướng mới. Còn về nghiệp chướng cũ, tôi có thể giúp quý vị tẩy xóa. Quý vị phải tự trả nghiệp chướng mới, bởi vì nếu quý vị cố ý phá giới, nghiệp chướng mới sẽ khác với nghiệp chướng đã tạo trong quá khứ khi quý vị còn vô minh.

Vì vậy, hãy nghiêm trì giới luật. Nếu chúng ta sát hại bất cứ chúng sinh nào, hoặc nghĩ đến việc làm hại ai, một ngày nào đó những tư tưởng xấu sẽ trở lại làm hại chính mình. Tuy nhiên, chúng ta có thể bù đắp lỗi lầm của mình bằng những cách khác để cải thiện tình huống. Thí dụ như, nếu trong quá khứ chúng ta phạm sát nghiệp, bây giờ chúng ta có thể cố gắng cứu người. Nếu trong quá khứ chúng ta không yêu thương con cái, bây giờ chúng ta có thể nuôi con cái của kẻ khác, để bù đắp cho vài chuyện sai lầm chúng ta đã làm khi trước.

Do cảm giác tội lỗi bên trong, chúng ta không thể sám hối đến độ hoàn toàn mất hẳn cảm giác tội lỗi. Không cần biết chúng ta sám hối đến mức nào, vẫn còn một chút cảm giác tội lỗi vướng vất ở từ trường của mình, không để cho chúng ta được tự do liễu thoát. Ðó là cái gọi là nghiệp chướng, không cho chúng ta an tâm ra đi vào lúc vãng sinh. Từ trường của chúng ta sẽ kéo chúng ta vào những từ trường có khí phận thích hợp. Ðó là lý do tại sao một số người xuống địa ngục và những người khác lên thiên đường. Tất cả đều do luật "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu".

Bí quyết tu hành tiến bộ


Tại sao những người lương thiện hoặc đơn thuần tu hành tiến bộ nhanh hơn? Ðó là bởi vì những người ngu không biện luận nhiều, và cũng không biết cách biện luận. Họ tiến bộ rất nhanh, bởi vì họ giống như là trẻ thơ, hoàn toàn tin tưởng Minh sư, không chút hoài nghi. Chúng ta có nhiều người như vậy tại đây. Ðó là lý do tại sao họ tiến bộ nhanh chóng. Bên ngoài, họ trông không có gì đặc biệt, nhưng họ thích Minh sư nhất, tin tưởng Minh sư nhất, và thương yêu Minh sư nhất. Ðối với họ, Minh sư nói gì cũng không sao. Bên trong họ không hề hoài nghi Minh sư, bên ngoài họ cũng không phản đối Minh sư. Khi quý vị thấy họ, quý vị biết họ tiến bộ rất nhanh.

Một số người bên ngoài trông có vẻ rất ngoan ngoãn, có vẻ rất tôn kính Minh sư, nhưng sau khi nói chuyện với họ một lúc, quý vị biết ngã chấp của họ rất lớn, và họ không hoàn toàn tin tưởng Minh sư. Có khi tự họ sẽ nói như vậy. Nếu quý vị biết nhiều người, quý vị sẽ có thể biết ai thật sự hiểu biết giáo lý Minh sư và hoàn toàn tin tưởng Minh sư. Chỉ nhìn bề ngoài, quý vị không thể phán đoán được.

Quý vị tiến bộ nhanh hay chậm, không chỉ hoàn toàn tùy thuộc vào vị Minh sư, mà còn tùy vào phản ứng của quý vị đối với Minh sư. Quý vị tin tưởng Minh sư bao nhiêu, và phản ứng ra sao đối với Minh sư, thì quý vị tiến bộ bấy nhiêu. Tôi chỉ cho quý vị một bí quyết tu hành tiến bộ, đừng kể với ai. (Mọi người cười và vỗ tay) Chúng ta tiến bộ hay không tất cả đều tùy thuộc vào tâm đơn thuần của mình. Ðôi khi chúng ta rất muốn biến thành đơn thuần, nhưng không thể được. Ðó là bởi vì chúng ta đã làm những điều lạnh lùng nhẫn tâm trong quá khứ, và bây giờ nghiệp chướng đứng như là một bức tường ở giữa, ngăn cản khiến chúng ta không hoàn toàn tin tưởng Minh sư, và không hoàn toàn cống hiến thân, khẩu, ý.

Một số người dường như tu hành rất tinh tấn, thiền 4, 5 tiếng mỗi ngày, nhưng tâm họ vẫn lưu luyến thế giới, và vẫn mơ tưởng danh lợi. Cho nên họ vẫn không tiến bộ. Rất có thể họ sẽ phải đầu thai trở lại một lần nữa, bởi vì họ vẫn nghĩ về thế giới này và muốn ở lại. Minh sư sẽ an bài cho họ trở lại một lần nữa, học hỏi với một vị Minh sư khác để có thể tiến bộ. Một số đồng tu tại đây đã học pháp môn Quán Âm trong tiền kiếp, nhưng họ chỉ tu nửa vời, bởi vì còn lưu luyến thế giới, hoặc không đủ thành tâm, hoài nghi Minh sư, nên họ phải trở lại.

Ðây cũng giống như câu chuyện tôi đã kể cho quý vị trước kia. Có một người viết thư cho tôi, nói rằng sau khi Tâm Ấn ông thành tâm cầu nguyện Minh sư mỗi ngày, niệm tên Minh sư mỗi ngày, và thật sự tin tưởng Minh sư. Kết quả là ông ta tiến bộ rất nhanh chỉ trong hai tháng, và trong thiền định đi đến những nơi có ánh sáng rực rỡ nhất. Tuy nhiên, ông bắt đầu hoài nghi, bởi vì ông nhớ vị thầy trước của ông có nói: "Nếu cả hai dương thần và âm thần đều xuất ra, thì có thể bị ma nhập". Cho nên ông ta bắt đầu hoài nghi giáo lý của tôi, nghi rằng pháp môn mà ông ta thực hành là không đúng. Kết quả là đẳng cấp ông lập tức rớt xuống, ông không trở lên được. Cho nên quý vị có thể thấy Ma chướng ngăn cản chúng ta ra sao.

Những kẻ biết quá nhiều và học hỏi quá nhiều phương pháp cũng không cách nào tiến bộ được. Kiến thức khác với trí huệ. Càng có nhiều kiến thức, chúng ta càng có ít trí huệ. Cho nên người đơn thuần và người ngu tiến bộ nhanh hơn. Tuy nhiên, một khi đã tiến bộ, quý vị nên cẩn thận; đừng để thoái bộ và đừng kiêu ngạo, đặc biệt là đừng tiết lộ cho người khác. Nếu quý vị kể cho người khác nghe, để họ nghĩ rằng quý vị vĩ đại, thì quý vị tiêu tùng. Ðẳng cấp quý vị lập tức rớt xuống liền. Ðó là lý do tại sao tôi thường không cho phép quý vị kể thể nghiệm bên trong, bởi vì rất khó tránh việc khởi tâm kiêu mạn. Khi mọi người bắt đầu ca ngợi quý vị, quý vị sẽ cảm thấy mình rất vĩ đại, không ai có được thể nghiệm cao như mình. Rồi quý vị sẽ bị chướng ngại lớn.

Lòng tin là mẹ các công đức


Nếu quý vị hoàn toàn thuần phục lực lượng Minh sư và tin tưởng Minh sư 100%, quý vị sẽ tiến bộ rất nhanh. Có những người như vậy tại đây không? Nếu có, điều này rất hiếm, và họ sẽ tiến bộ rất nhanh. Một vài người đến gặp tôi mỗi lần, đến nghe giảng kinh, đến đạo tràng dựng lều mỗi cuối tuần, nhưng chưa chắc là họ thật sự tin tưởng Minh sư. Có thể là họ tin theo người khác. Thí dụ như, họ có thể cảm thấy rằng mình vô lễ nếu không đi gặp Minh sư, hoặc nếu ở nhà một mình, họ cảm thấy chán nếu vợ hay chồng họ đi gặp Minh sư. Nên họ chỉ đi theo.

Dù vậy cũng vẫn tốt cho họ. Họ có thể khai ngộ sau khi nghe một hai lời nói tại đây. Về sau họ có thể được đồng tu ảnh hưởng. Cho nên cộng tu rất hữu ích. Nếu chúng ta chỉ có một mình, tu hành thật không dễ, và đôi khi chúng ta có thể thoái tâm, bởi vì không có thiện tri thức, không có bằng hữu và không có đồng tu. Ðôi khi chúng ta thắc mắc vì sao mình không có thể nghiệm và không tiến bộ, bởi vì chúng ta không biết được nghiệp chướng nặng nề của mình.

Vào thời xưa, Minh sư không công khai dạy quá nhiều người như vậy, bởi vì họ sợ rằng không có đủ thời giờ chăm sóc cho đệ tử. Thời nay, chúng ta có băng thâu thanh và băng thâu hình của Sư Phụ, nhưng vẫn khó tin tưởng Minh sư. Những người thời xưa chỉ thấy được Minh sư của họ một, hai lần, và nghe được bài thuyết giảng của Minh sư hai hay ba lần. Họ không thể ghi chép những lời Minh sư thuyết giảng. Những lời ghi xuống của họ có thể lộn xộn, ngay cả họ cũng không đọc được. Họ có thể ghi chép sai rồi đọc một cách cẩu thả sau khi về nhà. Nên họ không thể đào sâu lòng tin. Có lần Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng, 5 ngàn người rời khỏi hiện trường, bởi vì họ không tin rằng pháp môn Ngài dạy là cao nhất. Họ nghĩ rằng họ đã biết tất cả rồi. Làm sao có được pháp môn cao nhất! Và đó là những vị tăng và ni thời xưa, không phải chỉ là người thường.

Cho nên chúng ta có thể thấy rằng thời nào cũng vậy. Chân lý thật khó hiểu, bởi vì chúng ta đã bị ràng buộc quá chặt vào phong tục truyền thống. Chúng ta đã quen sử dụng chúng, sau hàng chục năm lớn lên trong những tình huống này từ khi còn nhỏ. Cho nên đến lúc gặp Minh sư, chúng ta không thể tin Ngài một cách dễ dàng.

Thời nay không tệ. Chúng ta có rất nhiều băng thâu thanh để nghe trở lại và trở lại. Nếu hôm nay tôi nói quá nhanh, hay nếu quý vị quá say sưa bởi việc nhìn vào mắt tôi để lắng nghe, về nhà quý vị có thể nghe băng thâu thanh trở lại. Tâm chúng ta nên giống như là trẻ thơ, rất đơn thuần và dễ tiếp thu, để có thể tu hành tiến bộ nhanh chóng. Bằng không, Tôi cũng không thể thúc đẩy quý vị, nhưng chỉ có thể đứng cạnh bên chờ đợi.

Cho dù không tin tưởng Minh sư hay không thể thành tâm sám hối, quý vị nên cố gắng hết sức mình, rồi sẽ gặt hái được kết quả. Hãy xem Milarepa, thí dụ vậy. Dù rằng rất cứng đầu và có trái tim lạnh lùng, ông vẫn đạt được kết quả sau 7 năm. Chúng ta có thể chậm chạp hơn ông, nhưng chúng ta cũng có thể đạt được kết quả, tối đa là 10 năm. Cho nên hãy cho mình thời gian và thư giãn. Cho dù phải mất 20 năm, vẫn tốt hơn là không có gì cả.

Hãy buông bỏ hình thức bên ngoài để tiến bộ nhanh hơn


Quý vị có thể đi nhanh hay chậm, nhưng nên cố gắng hết sức mình. Vì đã học hỏi với tôi, quý vị nên tiếp tục. Nếu quý vị đi tìm pháp môn khác cũng vậy thôi. Trong trường hợp quý vị tu hành không được giỏi, quý vị sẽ phải đầu thai trở lại và niệm A Di Ðà Phật mỗi ngày, vậy cũng chán. Niệm sáng rồi niệm tối cũng chẳng giúp gì cho quý vị. Nếu thật sự muốn niệm kinh sáng, kinh tối, quý vị vẫn có thể làm vậy, nhưng sau đó hãy thiền. Nếu thật sự cần cúi lạy một tượng Phật gỗ, quý vị có thể làm vậy, nhưng sau đó vẫn nên ngồi thiền.

Dù vậy, tốt nhất là chúng ta nên ly khai những hình thức này. Khi lên đại học, chúng ta không nên lưu luyến tiểu học. Tôi không nói rằng những hình thức bên ngoài này là không cần thiết. Chúng cũng cần thiết, nhưng chỉ cho trẻ nhỏ. Thí dụ như, một cái núm vú rất hữu dụng cho trẻ nhỏ và em bé, chúng ta không thể nói rằng nó vô dụng, nhưng đối với người lớn thì nó vô dụng. Nếu không ai cần niệm kinh hay cúi lạy tượng Phật, vậy tại sao nhiều người làm như vậy? Nếu núm vú không cần thiết, tại sao trẻ em ngưng khóc khi chúng ta đút vào miệng nó? Ðiều đó có nghĩa là núm vú cần thiết đối với chúng. Chỉ là chúng ta đã trưởng thành và không nên dùng nó nữa. Nếu chúng ta tiếp tục ngậm núm vú thì trông rất kỳ cục.

Ðó là lý do tại sao Tôi bảo quý vị đừng cúi lạy Phật gỗ. Chúng ta nên nhanh chóng bỏ lại đàng sau những hình thức bên ngoài, để có thể nhanh chóng tiến bộ. Nếu thật sự không buông bỏ được, quý vị có thể cúi lạy Phật gỗ, nhưng vẫn cần phải ngồi thiền. Ðừng bỏ hết thì giờ lạy Phật gỗ rồi không thiền. Bằng không rất khó cho chúng ta leo lên cao. Tất cả mọi người khác đều tốt nghiệp đại học, nhưng quý vị vẫn lưu lại tiểu học. Hiện tại quý vị đã đăng ký vào đại học, quý vị chẳng thà hãy học những khóa đại học và đừng lưu luyến trường tiểu học.

Nếu có vấn đề gì, quý vị nên thiền nhiều hơn và rồi sẽ có câu trả lời. Ðây là câu trả lời tốt nhất. Cũng nên đọc sách thuyết giảng của tôi nhiều hơn, bởi vì quý vị chưa hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa. Càng đọc nhiều, quý vị càng hiểu nhiều hơn và sẽ phát hiện được những điều mới.  


Giới thiệu trang này đến bạn