Thế giới loài vật


Cuộc đàm thoại giữa Sư Phụ và những đồng tu
biết nói chuyện với thú vật


Sư Phụ khai thị tại Florida, Hoa Kỳ, ngày 25 tháng 12, 2001
(nguyên văn tiếng Anh) - Băng thâu hình số 730


Sau khi cắm lều ở bờ sông một thời gian lâu, chúng tôi mướn được một căn phòng. Nhưng lại có đầy rắn vằn trắng đen. Chúng ở khắp nơi trong phòng tôi, đến hát cho tôi nghe. Ðôi khi nhân viên của tôi không cẩn thận làm chúng bị thương, chúng đến than phiền với tôi. Nên tôi bảo nhân viên đừng dùng chổi đuổi rắn ra ngoài, tại vì chổi có thể làm đau mắt nó. Họ tưởng tôi từ bi quá đỗi mới nghĩ đến mấy con vật này như vậy, nhưng tôi biết rõ. Nhân viên họ nghĩ không giết là tốt rồi, là từ bi lắm rồi. Nhưng quý vị phải dùng cái bao để gần đó cho chúng bò vào, rồi đem đi thả vào bụi rậm.

Rắn vẫn cứ bò vô nhà nhưng chúng không bao giờ cắn chúng tôi. Mấy con này là rắn hổ mang độc, có khoang trắng lẫn đen. Nguyên cả một gia đình ở đó: lớn bé đủ hết, đến há hốc mồm ca hát. Chúng không ca lớn tiếng được nhưng ca lớn bên trong. Tôi nghe được. (Sư Phụ chỉ vào mắt trí huệ). Chúng há mồm nằm cạnh gối ngồi của tôi, nói chuyện, ca múa. Nhất là mấy con rắn con rất thích quanh quẩn bên tôi. Cho nên tôi phải dặn dò nhân viên đi lại phải hết sức cẩn thận tại vì họ có thể dẵm lên. Tình cờ căn nhà thuê lúc đó lại lát gạch bông cũng có màu đen trắng rất giống như da rắn. Cho nên cả hai hòa vào với nhau thật là hoàn mỹ. Có lẽ vì vậy mà rắn thích đến đó: cảm thấy an toàn, giống như nguyên một con rắn hổ mang to lớn, lớn bằng cả căn nhà vậy.

Cho nên con nào cũng chạy tới đó ca hát, cười đùa. Chúng vui lắm! Có lần một vị thường trú không cẩn thận, ngủ đè lên chúng. Nhưng chúng cũng không cắn. Thật tội nghiệp, không dám cắn. Cho nên lần sau tôi dặn: "Nếu cô không cẩn thận, tôi sẽ bắt cô đứng mãi mãi: không được nằm, không được ngồi!" Cô ta hơi mập, vừa mới gia nhập thường trú. Cô ngủ li bì, nằm đè cả lên rắn. Tội mấy con rắn! Chúng không dám phạm giới, nhưng cô ta lại phạm. Tuy là không cố ý làm, nhưng rắn cũng bị chết oan. Tội nghiệp! Chúng tôi phải xin lỗi và ráng đi lại cẩn thận.


Ðồng tu 1: Trong một tu viện con sống, họ có năm mẫu đất rào chung quanh, có bò dọn giúp bằng cách ăn cỏ. Mỗi lần con leo hàng rào là bị mấy con bò đuổi, con rất sợ. Nhưng có một ngày, con quyết định không sợ nữa. Rồi một con bò làm bạn với con, một sáng kia nó đến gặp con, nói với con rằng gia đình nuôi nó bây giờ sắp sửa giết nó làm thịt.

SP: Quý vị có tin nổi không? Chúng thậm chí biết trước, thế mà người ta nghĩ chúng không biết gì, rồi ăn thịt chúng, tội nghiệp quá.

ÐT1: Sau khi họ giết con bò đó, toàn thân nó nhiễm độc gì đó, khiến cho cả gia đình không ăn thịt nó được. Nó không muốn bị người ta ăn. Cho nên họ phải đem tất cả trở ra, chôn xác nó xuống đất, và không một phần thịt nào của nó bị ăn. SP: Tại sao nó lại không muốn bị ăn thịt?

ÐT1: Nó không muốn bị người ăn; vậy thôi. Con không biết giải thích làm sao.

SP: Không một con bò nào muốn bị ăn thịt như vậy. Chúng không màng cho ta sữa, và khi chúng chết đi, ta có thể dùng xác chúng cách nào cũng được, nhưng chúng không muốn bị bắt buộc, bị giết làm thịt và ăn như vậy. Quý vị cứ hỏi bất cứ con bò nào, nó đều trả lời: "Không" Ðó không phải là cách thức tự nhiên chúng được sinh ra để làm như vậy. Dĩ nhiên, nếu quý vị đói, nếu không còn gì khác để ăn, và quý vị xin phép chúng, thì chúng sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống của chúng cho quý vị. Tất cả các con bò đều sẽ làm vậy. Nhưng nếu ăn chỉ vì tham lam thì thật là tệ. Ngay cả cây cỏ cũng than phiền nếu quý vị ăn chúng chỉ vì muốn hưởng thụ.

Do đó hãy tôn trọng tất cả mạng sống khi quý vị ăn; hãy cầu nguyện và cúng dường Thượng Ðế. Ðó là điều đúng đắn để làm. Và cám ơn chúng. Cám ơn Thượng Ðế đã sinh ra chúng, và cám ơn chúng đã hy sinh mạng sống cho quý vị. Nhưng rau cải bị hại ít nhất. Bởi vì chúng không cử động nhiều, và đa số không có ý thức. Chúng còn đang tiến hóa. Nhưng nếu quý vị ăn với lòng bất kính, chúng sẽ cằn nhằn. Cũng tốt là quý vị đến nói mấy chuyện này, cho người ta biết rõ hơn về cảm giác của thú vật. Chúng là những chúng sinh vĩ đại; quý vị có thể học hỏi rất nhiều từ chúng. Thí dụ như, nếu quý vị hỏi một con chó Maltese, nó sẽ trả lời quý vị rằng tình thương là nhất. Chó Maltese chan hòa tình thương. Người ta gọi nó là chó "triệu nụ hôn". Nó luôn luôn thương yêu, hôn hít quý vị khắp nơi, bất cứ lúc nào. Chúng rất được yêu chuộng ở Âu Châu, đến từ đảo Malta, thuộc nước Tây Ban Nha. Vì thế được gọi là Maltese.

Chó Maltese sẽ cho quý vị biết rằng tình thương là điều quý nhất, và sự sợ hãi là thứ nhì. Khi sợ, quý vị ráng học hỏi rồi có thêm kiến thức. Nhưng khi có tình thương là quý vị biết liền, không cần học. Nếu có tình thương, quý vị tự nhiên biết, và mọi chuyện rất dễ dàng. Cho nên, chó Maltese nói rằng nếu chúng ta sợ, chúng ta sẽ học, và nếu có tình thương, chúng ta biết. Rất hay. Cho nên tôi thấy thương hại cho rất nhiều người chỉ biết nhai, ăn, quấy rầy hay là cắt da xẻo thịt những chúng sinh vĩ đại này.


ÐT2: Lần đầu tiên con nhận thấy con nói chuyện được với thú vật, ít nhất là với kiến, đó là khi con mới thọ Tâm Ấn. Con sống trong một căn hộ và có một bầy kiến đến thăm bếp của con. Cho nên con báo cho viên quản lý, ông nói: "Ðược, tôi sẽ lo cho." Nhưng trong lúc đó, tự nhiên con nghĩ: "Mình nên nghĩ cách nói chuyện với mấy con kiến này để nó không bị tiêu diệt bằng thuốc độc".

Rồi con bắt đầu nói chuyện với chúng nó bằng thần giao cách cảm, nói rằng: "Bây giờ tới lúc các ngươi phải trở về; cám ơn các ngươi đã đến thăm, nhưng các ngươi có thể đi trở ra bằng con đường mà các ngươi đã trở vào". Thế là xong. Hai tiếng sau, con quay lại nhìn vào bếp, chỉ thấy còn có khoảng một nửa số kiến. Khoảng sáu tiếng sau, tất cả đều đi hết.

Ngày hôm sau, khi viên quản lý gõ cửa phòng con, cầm một cái bình xịt bự khổng lồ, nói: "Rồi, tôi sẵn sàng diệt kiến cho cô đây". Con trả lời: "Không sao, tôi đã lo xong rồi". Ông nói: "Cô đã làm gì?" Con nói: "Tôi nói chuyện với chúng." Ông nói: "Mấy người ăn chay như cô!" Ông khám phá con là người ăn chay mấy hôm trước đó. (Sư Phụ: Cho nên ông ta đã biết.)

Chuyện cuối cùng là hôm con ở nhà mẹ con. Buổi chiều kia, bà thấy có nhiều kiến có cánh trong phòng gia đình. Thấy bà đi vào cầm cây đập ruồi to tướng với bình xịt thuốc, con nói: "Khoan đã, mẹ! Ðể con lo cho". Bà hỏi: "Con làm cách nào?" Con không dám nói gì nhiều.


SP: Phải, khó nói.

ÐT2: Con nói với mẹ: "Con sẽ nói chuyện với nó". Mẹ con nhìn con một cách nực cười, rồi đi lên lầu. Sau đó con nói chuyện với mấy con kiến cũng giống như lần trước: "Làm ơn về nhà đi, cám ơn các ngươi đã đến thăm. Các ngươi đã thăm chúng tôi đủ rồi, xin chào".

Sau khi nói như vậy, con đi ngủ. Khi con xuống lầu vào lúc nửa đêm thì kiến đi đâu mất hết. Con không biết chuyện gì đã xảy ra. Con sợ mẹ con có thể đã tiêu diệt hết rồi. Sáng hôm sau, con hỏi mẹ: "Mẹ đã làm gì mấy con kiến?" Bà trả lời: "Mẹ đâu biết. Mẹ đâu có làm gì đâu". Con nói: "Trời ơi! Chúng nó quả đã nghe lời con!"


SP: Tốt lắm.

ÐT2: Từ đó con biết là con nói chuyện được với kiến.

SP: Quý vị có thể nói với chúng, nhưng có điều là chúng có trả lời lại hay không. Quý vị hiểu ý tôi chứ? Mình có nghe chúng được không; bởi vì ai cũng có thể nói chuyện với chúng, nhưng không nghe được. Ðó là một khả năng thiên phú.

ÐT2: Dạ con có thể nghe được một con vẹt khi nó tới nhà hàng chay ở San Jose. (Sư Phụ: "Thế hả?") Có một con, ngày nào cũng đến đó chơi. Ai cũng ngừng lại nhìn con vẹt này, vì nó đẹp lắm, lại nói nhiều nữa. Nó nói đủ thứ. Một ngày nọ, không ai để ý đến nó và mọi người đang ồn ào, nó bắt đầu la lên giống như là đang nói chuyện với ai, nhưng không ai để ý. Cho nên, từ một khoảng xa, con bắt đầu nói chuyện với nó. Hai bên nói qua nói lại, con không ngờ là mình hiểu được nó nói, bởi vì tiếng của nó không ai nghe thấy, nhưng con nghe được rất rõ ràng.

SP: Bằng tiếng Anh hả? (ÐT2: Dạ bằng tiếng Anh.)

SP: À, không phải bên trong, mà bên ngoài.

ÐT2: Dạ bên ngoài luôn, cùng một lúc.

SP: (Hỏi một đồng tu khác) Cô nói chuyện với chó được hả?    Nó nói gì với cô?

ÐT3: Phần đông là nó đọc được tư tưởng của con một cách chính xác. Ðồng thời, con cũng nhận được thông điệp của nó. Nó 13 tuổi rồi. Một hôm, con nói với chồng con rằng: "Nó già quá rồi. Có lẽ em không muốn nó nữa, có lẽ mình cho người khác đi." Sau đó, nó nói bên trong rằng: "Làm ơn làm phước, xin đừng đem tôi cho người khác". Nó cứ nói trong đầu con như vậy hoài, lúc nào cũng: "Làm ơn, làm ơn, xin đừng". Một hôm, con nói: "Thôi được rồi, ta sẽ nuôi ngươi cả đời của ngươi". Sau đó nó sung sướng quá.

Nó cũng chăm sóc con nữa. Có lần, con bị gãy chân, nó cứ ngồi cạnh phòng con, trông con suốt ngày. Phải, con chó này hết sức thông minh. (Sư Phụ: Ðúng, đúng.) Nó nhạy cảm lắm, đôi mắt giống như người vậy.


SP: Cô chăm sóc cho nó nghe. Không được đem nó cho đi.

ÐT3: Dạ, con sẽ giữ nó.

SP: Cô đã hứa rồi. Chó nào cũng muốn ở với chủ nó suốt đời cho đến chết, nhưng nhiều con không được sự may mắn đó. Họ nói là mỗi bốn giây là có một con chó bị giết ở Mỹ, bị giết vì chủ cũ không muốn nuôi nữa. Mỗi bốn giây đồng hồ là một con chó chết, chỉ riêng ở nước Mỹ thôi.

Thật là khủng khiếp!

Ðấy là chưa nói tới tai họa hay tai nạn. Chó bị giết trong những nhà tạm chứa thú vật. Mỗi bốn giây, trong khi tôi nói chuyện với quý vị đây, hàng trăm con chó chết một cách thê thảm. Cho nên, nếu quý vị phải đem chó đi chích cho "ngủ" vì lý do gì, vì nó bịnh, thí dụ vậy, hay là già quá, thì quý vị nên nói chuyện với nó. Nói cho nó biết chuyện gì xảy ra. Cho nó biết rằng bác sĩ nghĩ như vậy là tốt hơn cho nó. Nói cho nó biết là đã đến giờ phải ra đi. Ẵm nó, ôm nó vào lòng, ở bên nó suốt thời gian đó. Ðừng vứt nó vào bịnh viện, rồi để mặc họ làm gì thì làm. Nó hiểu là nó phải ra đi, nhưng nó cần tình thương để ra đi. Nó không sợ phải ra đi, nhưng nó cần quý vị thương, nói với nó rằng quý vị vẫn thương nó; chỉ là nó phải đi thôi. Sau đó chôn cất, đối xử tử tế với nó.




ÐT3: Dù nó không thích tắm bây giờ vì bịnh hoạn, con tắm cho nó, và nó nghe lời. Nó luôn luôn để con tắm cho nó, và nó hiểu.

SP: Ðúng, nếu quý vị giải thích.

ÐT3: Dạ, y như mấy đứa con của con vậy, nó hiểu. Con chó này rất thông minh.

SP: Tất cả chó đều thông minh hết, tin tôi đi. Khi quý vị thương nó, nó luôn luôn đáp lại. Ðôi khi quý vị có thể nói chuyện với thú vật. Dĩ nhiên, không phải lúc nào quý vị cũng có thể bảo nó làm gì. Nhưng ít nhất nó cũng biết là quý vị quan tâm tới nó. Cho dù quý vị không biết nói qua thần giao cách cảm, cho dù quý vị không nghe được câu trả lời của nó, cũng nên ráng hết sức nói chuyện bằng tiếng Anh với nó. Và trong khi quý vị nói, nó hiểu, bởi vì quý vị tạo ra một hình ảnh trong trí những gì quý vị đang nói. Có sự liên hệ giữa những gì quý vị nói và những gì quý vị nghĩ trong đầu, hiểu không.

Thí dụ, nếu tôi muốn một sư huynh "Mang giùm tôi ly nước", thì trong đầu tôi có hình ly nước, và loài chó hiểu điều đó. Chỉ là nếu không có khả năng thiên phú thì chúng ta không thể hiểu được những gì nó nói lại với mình, ít nhất cũng không được rõ ràng. Chúng ta vẫn có thể có sự cảm nhận và linh tính. Nhưng khả năng đó khác với cô này; cô ta thật sự nói chuyện được với thú vật nếu muốn.