Hãy nhớ tới Thượng Ðế
trong    mọi khía cạnh của đời sống
Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị, ngày 22 tháng 10, 2006,
Ba Lê, Pháp Quốc (nguyên văn tiếng Anh và tiếng Pháp)
Chúng ta phải luôn luôn câu thông; bằng không, quý vị sẽ không biết mình ở đâu, không biết mình nên làm gì trong đời này hay đời sau. Không có cớ gì hết. Chúng ta sống là để câu thông với Thượng Ðế. Ðó là điều quan trọng nhất. Chúng ta làm việc, ăn, ngủ, nhưng những thứ này chỉ là quan trọng thứ nhì. Bởi vì nếu quý vị chưa đủ vững mạnh, quý vị vẫn phải làm việc, ăn uống, sinh nhai...; nhưng đây không phải là điều quan trọng nhất trong đời. Việc quan trọng nhất là sống để thiền. Thiền có nghĩa là cầu nguyện; cũng giống nhau. Nếu không biết thiền thì chúng ta cầu nguyện. Giống nhau. Sau khi vị Minh sư như Ðức Phật hay Chúa Giê-su lên thiên đàng, người ta không biết cách thiền, cho nên họ cầu nguyện. Nhưng chúng ta biết cầu đúng cách, có nghĩa là thiền. Ðó là cách cầu nguyện tốt nhất. Nếu không cầu nguyện như vậy thì chúng ta không thể biết Thượng Ðế, Chân tánh. Rồi chúng ta lạc lối. Quý vị có thể kiếm rất nhiều tiền, có nhiều con cái hay là ăn rất nhiều thức ăn, nhưng đều là số không. Chết là hết! Tất cả thức ăn, vợ chồng con cái, không có nghĩa lý gì hết. Họ không giúp ích gì lúc quý vị ra đi, lúc quý vị rời khỏi tinh cầu này hay cuộc đời này – không gì hết. Ðây là điều căn bản nhất tôi nói đi nói lại hoài mà quý vị không hiểu.

Nhưng quý vị phải thiền, đó là điều quan trọng nhất trong đời, còn quan trọng hơn tất cả những gì khác ở đời. Nếu không, quý vị sẽ không đạt được mục đích. Quý vị tưởng ngồi một hay hai tiếng nghe âm thanh, bên trong hay là bên ngoài – (Sư Phụ nói đùa) tùy quý vị ngủ say đến mức nào – nhưng như vậy không đủ! Do đó cho dù tôi có nâng quý vị lên đẳng cấp Thứ Năm, quý vị vẫn có thể rớt xuống liền, hầu như còn nhanh hơn đi lên nữa. Khi nhất tâm bất loạn, chúng ta lên đẳng cấp Thứ Năm rất nhanh. Nhưng khi tâm phân tán, nghĩa là ý nghĩ của mình phân tán, chúng ta tụt xuống cái vèo! như vậy đó.

Bởi vậy Chúa Giê-su mới nói: "Trừ phi trở thành như trẻ thơ trở lại, còn không thì không thể vào được Thiên Quốc". Rất khó kiểm soát được đầu óc của mình, khó hơn là điều khiển cả trăm con voi. Khi quý vị thấy một chớp ánh sáng hay nghe một chút xíu âm thanh, thì quý vị nghĩ là đủ tốt rồi. Nhưng cái này không phải. Không, bởi vì quý vị còn ở đây, còn cảm nhận được nó – còn cảm nhận được ngoại cảnh và vẫn còn cảm thấy dễ chịu, một chút chỗ này chỗ kia, và quý vị biết như vậy. Nhưng cái đó không phải. Nếu thật sự nghe Âm thanh, quý vị sẽ được kéo lên nhanh hơn cả dĩa bay hay hỏa tiễn lên cung trăng nữa! Và không một thứ gì ở đời này có thể khiến quý vị xao lãng, không một cái gì ở đời này quý vị muốn. Quý vị thậm chí không màng sống chết; ngay cả nếu có người nào đến muốn giết mình, lúc đó quý vị sẽ nói: "Làm ơn. Cứ tự nhiên". Quý vị không nghĩ ra còn điều gì ở đời này mình thật tình muốn nữa: không gì hết. Ðó mới là lúc quý vị thật sự thiền. Phần còn lại chỉ là tập, tập, tập, mà thôi.


Muốn tiến bộ về tâm linh, chúng ta phải tự thực hành


Bởi vậy tôi mới nói: "Làm ơn thiền". Bởi vậy chúng ta mới tự gọi mình là người tu hành. Có nghĩa là quý vị cố gắng, cố gắng, cố gắng. Ðôi khi quý vị cố gắng và tới nơi; đôi khi quý vị cố gắng nhưng không tới nơi. Nhưng nếu quý vị không vững, dù có tới đích nhờ ân điển của Thượng Ðế, quý vị cũng rớt xuống trở lại rất nhanh! Nếu vững vàng thì quý vị sẽ không rớt xuống, dù làm việc trong thế gian. Nhưng nếu không vững vàng thì dù có vào tu viện, lên núi, sống trong thiền đường, cũng vô ích, ngay cả dù có sự hiện diện của Minh sư. Minh sư không thể ăn cho quý vị. Lúc nãy, tôi cho quý vị kẹo sô-cô-la, nhưng quý vị là người ăn, tôi không thể ăn cho quý vị. Tôi mua rất nhiều kẹo sô-cô-la. Nhưng không phải để cho tôi ăn hết. Nếu tôi ăn hết, quý vị có cảm nhận được gì không? Nếu tôi mua rất nhiều kẹo sô-cô-la và ăn hết một mình, quý vị có nhìn tôi và nói: "Nhămnhăm, sô-cô-la ngon quá!"? (Mọi người cười) Có chuyện đó không? Không, không bao giờ.

Cho nên, tôi phải cho quý vị sô-cô-la. Nhưng nếu không ăn vào, quý vị cũng không cảm thấy gì hết. Cũng giống vậy, nếu quý vị ở trong sự hiện diện của Minh sư, nhưng nếu sự tập trung của quý vị không phải vào vị Minh sư thì ân điển không thể xuyên qua quý vị được nhiều. Có thể chút ít, nhưng không nhiều. Còn nữa, nếu quý vị có một số giới hạn trong đầu, như là thành kiến cho rằng một vị Minh sư phải làm gì, bề ngoài phải như thế nào, thì lúc đó quý vị xây một bức tường thành to lớn quanh mình, ngăn cách mình và ân điển của vị Minh sư. Như vậy quý vị tuyệt đối được còn ít hơn nữa.



Thăng hoa là do thành quả cá nhân


Quý vị có nhớ câu chuyện về Ðức Phật: Ngài có một thị giả là người rất được yêu quý và thân cận với Ngài, và là người ngày đêm hầu hạ bên Ngài. Tên của vị đó là A-nan. Khi Phật từ trần, ông ta có thể nhớ được từng lời Phật nói. Cho nên, hầu như tất cả các kinh điển từ Ðức Phật đều được viết theo trí nhớ của A-nan. Nhưng A-nan không đạt được thành quả tu hành gì to lớn; thậm chí không đến được đẳng cấp Thứ Ba. Do đó sau khi Phật vãng sanh, cả đoàn thể xuất gia không cho phép ông tham dự hội nghị của tăng đoàn. Họ loại trừ ông ra khỏi đoàn thể của các vị cao tăng. Do đó, vô cùng xấu hổ, ông vào một hang động và giam mình trong đó một thời gian, cho đến khi ông đạt được đẳng cấp cao hơn. Rồi các vị tăng mới mời ông vào.

Nhưng tại sao các vị tăng lại làm như vậy đối với vị thị giả yêu quý nhất của Phật? Có phải là các tăng đã quá lạnh lùng, khô khan và cứng rắn đối với A-nan?

Ðồng tu 1:   Con nghĩ như vậy là để cho ông ta giâīt mình tỉnh ngộ.
SP:   Phải rồi.

Ðồng tu 2: Ðể bắt ông ta phải tu hành?
SP: Ờ, cái đó cũng đúng. Ai nữa?

Ðồng tu 3: Ðể tránh ô nhiễm?
SP: Cũng đúng. Ðể tránh ô nhiễm! Phải đó. Nếu người nào tâm không đơn thuần trong sạch và chưa phát triển cao về tâm linh, họ sẽ ô nhiễm cả tăng đoàn. Câu trả lời này đúng nhất. Nhưng cũng để cho ông ta giật mình thấy tự mình cần phải tích cực tu hành – đúng, đó là chuyện bình thường. Bởi vì trong thời gian bên cạnh Phật, ông không tu hành. Ông quá gần gũi, là thị giả duy nhất của Phật. Bởi vậy đẳng cấp của ông không bao giờ tiến được. Ðó là lý do duy nhất. Lý do mà cô đồng tu kia nói, là ông cần phải cố gắng tu hành tinh tấn; cái đó cũng đúng. Bởi vì lúc nào cũng ở bên cạnh Phật, ông quá hãnh diện là thị giả duy nhất của Ngài, không nghĩ mình cần phải tu hành gì cả; cho nên ông không làm.

Ngoài ra, ông còn có một trí nhớ siêu phàm. Ông có thể kể lại tất cả những gì Phật dạy từ A đến Z, còn lặp lại nữa. Ông nhớ từng chữ một; không quên gì hết. Ngay cả khi Phật làm gì sai, như là lặp lại điều gì, hay là tằng hắng, A-nan cũng nhớ hết. Vì vậy mà những kinh điển Phật giáo ngày nay không được sửa chữa, mà chỉ viết y những lời Ðức Phật nói. Cho nên nhiều khi đọc, mình cảm thấy hơi mệt, như là Ðức Phật cứ lặp đi lặp lại cùng một câu hoặc giải thích thật tỉ mỉ để cho các đệ tử hiểu được, y như cách Ngài nói.

Trong tất cả các kinh Phật đều bắt đầu bằng câu: "Như ta đã nghe...". Lý do là như vậy, vì kinh được viết theo những gì A-nan nghe. Ngay cả người quan trọng như A-nan cũng gần như là một máy ghi âm. Trí nhớ của ông quá siêu việt, giống như máy điện toán hay máy ghi âm ngày nay. Nhưng dù là một người quan trọng như ông, các tỳ kheo của tăng đoàn hay là giới Bồ Tát của Phật đã khai trừ ông ra khỏi tăng đoàn, bởi vì ông chưa đủ cao. Dù là người quan trọng, ông vẫn chưa đủ tốt.

Cho nên quý vị thấy sự thăng hoa tâm linh quan trọng đến chừng nào. Quan trọng không phải mình là ai mà mình là người như thế nào. Và cũng không chỉ mình là người như thế nào thôi, mà bên trong mình là người như thế nào. Ðó là điều quan trọng nhất trên đời. Ðiều quan trọng nhất trên đời là bên trong quý vị ra sao. Bây giờ quý vị đã hiểu điều quan trọng nhất trên đời là gì, không phải tại vì A-nan và không phải tại vì Ðức Phật, mà tại vì chính mình. Bởi vì sau khi qua đời, chúng ta không có gì hết! Thật sự là như vậy; tôi không cần phải nói. Tất cả quý vị ai cũng biết rồi, nhưng không lãnh ngộ được rõ ràng điều đó; đó là lý do quý vị xao lãng sứ mệnh quan trọng nhất của mình trên đời này.

Cho nên từ trường hợp của A-nan, chúng ta cũng có thể rút tỉa bài học, đó là đức khiêm nhường. Chúng ta phải để ý mỗi ngày xem mình có đủ khiêm nhường không, để có thể phát triển thêm. Bởi vì chỉ khi nào một vật trống rỗng thì mới đổ gì đó vào được. Ly rỗng thì mình mới đổ nước vào được; nhưng nếu ly đầy rồi, không có gì vô được. Cái ly có thể đầy nước hay đầy rác. Nếu ly đã đầy rác thì chúng ta không đổ nước vào. Tốt nhất là chúng ta có thứ mình muốn trong ly thay vì rác rến. Cũng vậy, chúng ta nên đong đầy đời sống của mình, con người mình và sự hiểu biết của mình với tất cả những thứ có giá trị tốt nhất về tâm linh, bởi vì chúng ta cũng có thể đong đầy nó với đủ thứ vô nghĩa, không cần thiết và có hại cho con người mình hay cho sự phát triển của mình.



Mỗi ngày là một sự tu hành


Mỗi ngày, chúng ta phải đong đầy chính mình với tất cả những gì tốt nhất cho mình, cũng như mỗi ngày mình cố gắng chọn thức ăn bổ dưỡng nhất cho cơ thể. Mỗi lần ăn món gì ngon, phải ráng nhớ: "Tôi cũng phải cho những thứ tốt vào linh hồn tôi, vào sự tiến bộ tâm linh của tôi". Cho nên, lúc ăn quý vị cũng có thể tu hành. Khi mình mặc bộ đồ đẹp lên người, nên nhớ: "Tôi cũng phải tô điểm chính mình với cái đẹp về tâm linh". Mỗi khi thấy bông hoa đẹp, quý vị có thể nói: "Tôi cũng phải vun bồi vườn tâm linh của tôi". Với những thứ tương tự như vậy, hãy luôn luôn nhắc nhở mình. Khi nghe chim hót, chúng ta cảm thấy khoan khoái dễ chịu, thì cũng phải nhớ không bao giờ quên Ngôi Lời của Thượng Ðế. Và khi đắm đuối trong tình yêu của một cuộc tình lãng mạn, và thấy sung sướng, quý vị cũng nên nói: "Tôi cũng phải nhớ tình thương của Thượng Ðế, là tình vĩnh cửu, là tình chân". Nhưng nếu không phân biệt được, thì quý vị phải nhắc nhở chính mình: "Ðược, tôi sẽ ráng nhớ; tôi phải làm cái gì đó để mối quan hệ giữa tôi và Thượng Ðế được nảy nở hơn, lãng mạn hơn và thân thiết hơn".

Mỗi lần thương con cái mình, quý vị phải nhớ Thượng Ðế thật sự thương chúng ta và con cái của quý vị như thế nào. Ðó là tình thương chân thật nhất và vĩ đại nhất cho mọi người. Và mỗi lần con vật nuôi trong nhà thương mình và quý vị thương nó, hoặc là quý vị vuốt ve nó hay nó mơn trớn mình, quý vị cũng nên nhắc nhở chính mình rằng đây là một phần tình thương của Thượng Ðế, và chỉ có tình thương của Thượng Ðế mới là chân thật và ở khắp mọi nơi.

Cho nên quý vị thấy, chúng ta có thể dùng mọi trường hợp để nhắc nhở chính mình đừng quên con đường tâm linh mà mình đã chọn để đi. Bằng cách này, chúng ta có thể luôn luôn củng cố chính mình trong đời sống vô thường ở địa cầu, luôn luôn tưởng nhớ đến Thượng Ðế. Luôn luôn giống như vậy. Nhưng với việc tu hành, không ai có thể thành minh sư qua đêm được, ngay cả A-nan. Cho nên, đừng ngã lòng. Chúng ta chỉ cần thành tâm và luôn luôn tu hành. Trong sự hiện diện của Minh sư, quý vị có thể phát triển nhanh hơn, nhưng còn tùy vào quý vị dễ tiếp nhận và đơn thuần đến mức nào. Cũng giống như ly nước: nếu đầy rác rến thì không gì vào được, hay chỉ vào chút xíu thôi.