Diên Vỹ
Hoa tâm không phai tàn


Do sư tỷ đồng tu Muse Lover, Illinois, Hoa Kỳ (nguyên văn tiếng Anh)




Khi tôi đọc câu truyện thần thoại mang tên "Iris" (Diên Vỹ) của tác giả Hermann Hesse, mấy trang đầu đã khiến tôi nghĩ ngay tới bức họa hoa diên vỹ của Sư Phụ. Những đóa hoa xanh xanh tim tím xinh đẹp trên nền vàng kim rực rỡ như phát hào quang khiến người xem cũng phải chạnh lòng khắc ghi. Những đóa diên vỹ căng tràn, đầy nhựa sống, như muốn bật cười, đưa hồn người vào những cuộc phiêu lưu trẻ thơ bất tận. Những đóa hoa trong tranh như nở rộng đem lại niềm vui cho ta, đong đầy tâm ta với sự thơ ngây trẻ dại và hăng hái cuộc đời. Ðây là chính xác như những gì hoa diên vỹ tượng trưng trong câu truyện của Hermann Hesse: một biểu hiệu của tuổi thơ, "cánh cổng mở ra cho linh hồn, nếu đã sẵn sàng bước vào thế giới bên trong, nơi mà anh và tôi, ngày và đêm, tất cả đều là một".

Truyện Diên Vỹ nói về một cậu bé mến hoa diên vỹ trong vườn nhà. Dù vườn cũng có nhiều loài hoa khác, nhưng hoa diên vỹ đối với cậu bé đặc biệt quan trọng hơn, bởi vì "hoa này hoàn toàn trở thành một cái gì rất đáng quán tưởng, một cái gì thật diệu kỳ, mầu nhiệm". Cậu bé thường mê mẩn nhìn hoa diên vỹ để rồi bước vào trạng thái mơ say, cảm thấy sự đồng nhất của vũ trụ và phúc lạc của cuộc đời.

Tuy nhiên, lớn lên, cậu bé lại trở thành một chàng trai vướng bận với thế giới bên ngoài, anh đã hoàn toàn quên đi những gì hoa diên vỹ biểu tượng. Sau này anh trở nên một học giả nổi tiếng, một giáo sư được nhiều người kính trọng, nhưng trong tim anh có một cảm giác sầu muộn, không vui. Nhưng nỗi niềm ấy tan biến đi khi anh bắt đầu để ý tới một người con gái đặc biệt mang tên Diên Vỹ.

Tên nàng nhắc anh nhớ tới một cái gì đó sâu thẳm, xa xôi và đáng quý, nhưng anh không nắm rõ cảm giác đó là gì. Rồi dần dần một ngày nọ anh hỏi cưới nàng làm vợ, nhưng Diên Vỹ từ chối lời cầu hôn ấy, nói rằng: "Em có thể sống thiếu hoa, thiếu nhạc... nhưng, có một thứ mà em không thể nào không có, đó là không thể sống, dù chỉ một ngày, nếu tiếng nhạc lòng không phải là nồng cốt của mọi việc em làm". Diên Vỹ đòi hỏi chàng phải khám phá ra bản lai của anh trước khi nhận lời cầu hôn. Chàng lưỡng lự bằng lòng, rồi bắt đầu cuộc hành trình vào thế giới bên trong để tìm ra chân tánh.

Mấy năm trôi qua, chàng trở thành một con người mẫn cảm hơn với cuộc đời và trở nên mềm mỏng hơn. Nhưng trước khi hoàn thành sứ mệnh của chàng thì Diên Vỹ ngã bệnh và sắp từ trần. Trong giờ hấp hối, nàng tặng cho anh một đóa hoa diên vỹ, nói rằng: "Hãy tìm em... tìm hoa diên vỹ, rồi anh sẽ đến với em". Anh tiếp tục tìm. Cuối cùng anh khám phá trở lại giấc mơ tuổi trẻ ngày nào; và qua hoa diên vỹ, anh đã sống lại. Anh "bắt đầu cất tiếng hát dịu dàng và nhẹ bước trên con đường hướng về quê cũ".

Không biết có phải đây là một trong những lý do mà Sư Phụ đặt tên cho bức tranh này là "Hoa tâm không phai tàn", bởi vì đó là trái tim của một trẻ thơ, thật sự hồn nhiên vô tư, và tượng trưng cho Chân ngã chúng ta. Một cách nào đó, tôi nghĩ rằng truyện thần thoại "Diên Vỹ" của Hermann Hesse và bức họa của Sư Phụ đều diễn tả cùng một chân lý vượt ngoài thời gian và không gian.