Bảo bọc người tỵ nạn với tình thương
– Dương Úy Linh, "Ái nữ của Cam Bốt"



Do Ban Báo chí Ðài Bắc, Formosa (nguyên văn tiếng Trung Hoa)
Sau khi trải qua nhiều rối ren chính trị và nội chiến, Cam Bốt đã tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc vào năm 1993, kết thúc những bất ổn đã kéo dài trong hơn 2 thập niên. Những tổ chức phi chính phủ (NGO) từ nhiều quốc gia đã mở rộng bàn tay giúp đỡ quốc gia Cam Bốt, trong số này có Hiệp hội Văn giáo Tri Phong Thảo của Formosa.

Sáng lập viên của Hiệp hội, cô Dương Úy Linh, nguyên thủy là tiếp viên hàng không của hãng China Airline. Cô thường gặp người tỵ nạn Ðông Dương tại phi trường và trong các chuyến bay, và cảm thấy rất cảm thông với họ. Về sau, khi Ủy ban Nhân quyền tìm thiện nguyện viên để làm việc tại các trại tỵ nạn Thái Lan, cô đã bỏ công việc lương cao không chút do dự, và hy sinh tuổi trẻ đến Cam Bốt để phụng sự người tỵ nạn với tình thương. Hết lòng cho công việc, cô không lo lắng đến mình và sự an toàn bản thân. Bệnh sốt và hệ thống y tế kém phát triển của địa phương đã ảnh hưởng đến sức khỏe cô. Ngoài ra, cô còn bị vài tai nạn xe cộ do tình trạng đường xá, và do sử dụng xe cũ. Cô đã gần mất mạng khi chiếc xe rơi xuống mương. Dù trải qua nhiều khó khăn, tinh thần vô vị kỷ của cô trong việc giúp đỡ người khác vẫn không thay đổi.

Sau khi hòa bình được tái phục hồi ở Cam Bốt vào năm 1993, hơn 300 ngàn người tỵ nạn đã từ Thái Lan trở về. Dương Úy Linh đã đi theo giúp đỡ nhiều người tỵ nạn Cam Bốt, mà đã được cô chăm sóc trong hơn 4 năm qua, trở về quê hương xuyên qua vùng biên giới nơi tình trạng vẫn còn nguy hiểm. Sau cuộc chiến, đất nước bị tàn phá đang chờ tái thiết. Dương Úy Linh thấy rằng nhiều người Cam Bốt cần sự giúp đỡ khẩn cấp, vượt ngoài khả năng cá nhân của mình, cho nên cô đã nhóm lại những bạn bè có đồng lý tưởng để lập kế hoạch giúp đỡ người tỵ nạn. Kết quả là, vào năm 1995, cô đã thành lập Hiệp hội Văn giáo Tri Phong Thảo của Trung Hoa Dân Quốc.

Cô và Hiệp hội Văn giáo Tri Phong Thảo ấp ủ lý tưởng "một giọt sương tưới một cọng cỏ", và gây quỹ cấp học bổng cho trẻ em Cam Bốt không được đi học. Những nỗ lực khác của cơ quan bao gồm cung cấp tài liệu giáo khoa tiếng Hoa, xây dựng và sửa chữa trường học, lập thư viện, và huấn luyện giáo viên, hy vọng giúp đỡ những trẻ em gốc Hoa có được học vấn và tự lập. Cho đến nay, hơn 10.000 trẻ em gốc Hoa đã được lợi ích, và tình trạng gia đình các em đã được cải thiện.

Ngoài những người gốc Hoa, Hiệp hội Văn giáo Tri Phong Thảo cũng trợ giúp dài hạn cho những gia đình nghèo Cam Bốt, bằng cách mở Nhà cho Trẻ em Vô gia cư, những trung tâm dạy nghề trong làng và trường dạy tiếng Cam Bốt tại Dubasa. Qua việc cung cấp nơi cư ngụ, dạy nghề, giáo dục, cứu trợ thiên tai và nhiều khía cạnh khác, Hiệp hội đã giúp người dân địa phương có thể tự lập, nương tựa vào chính mình, và lấy lại phẩm cách trong đời sống. Tại Cam Bốt, mọi người đều biết đến Hiệp hội Văn giáo Tri Phong Thảo. Ngài Kol Pheng, Bộ trưởng cao cấp của Bộ Giáo dục, thậm chí còn gọi cô Dương Úy Linh là "Ái nữ của Cam Bốt".

Cô Dương Úy linh không những cống hiến đời mình cho hoạt động từ thiện, mà còn ghi lại những điều cô chứng kiến, và đã phát hành vài quyển sách. Những tác phẩm văn chương cảm động và sự đóng góp tình thương đã mang lại cho cô nhiều giải thưởng, bao gồm giải Phóng sự văn chương của Hội Văn hóa Nghệ thuật; giải Tác giả trẻ nhiều triển vọng của Hội Nữ tác giả; giải Ái Tâm của Ngô Tôn Hiền; giải Mười thanh niên xuất sắc; giải Mười thanh nữ xuất sắc; huy chương hạng nhất cho tổ chức phi chính phủ quốc tế cống hiến cho hoạt động tái thiết hậu chiến tại Cam Bốt, và nhiều giải thưởng khác. Tuy nhiên, cô Dương khiêm tốn cho rằng cô chỉ làm bổn phận của mình, và cống hiến tất cả tiền thưởng cho công ích.

Tình thương và sự đóng góp vô điều kiện của cô Dương Úy Linh, và tinh thần dũng cảm của cô đã đem lại ánh sáng hy vọng cho người dân Cam Bốt khốn khổ, nêu một tấm gương sáng ngời cho thế giới. Cô cho rằng mình chỉ là một người bình thường, nhưng các hành động và những thành quả của cô thật phi thường, được phản ảnh từ một câu trong quyển sách của cô: "Những người thật sự hùng mạnh không phải là những nhà lãnh đạo chính trị gây chiến đưa đến đổ máu, mà là những người bình thường đã tạo một ảnh hưởng cho người khác bằng trái tim, tình thương, lòng thành tâm và sự cống hiến phụng sự của họ".  


Ðể biết thêm về Cơ quan Cứu trợ Khu vực Formosa, xin viếng:
http://www.fra.org.tw/chservice_1.htm  (tiếng Trung Hoa)