Những cải thiện tích cực trên tinh cầu
Các thành phố Âu Châu đang âm thầm dẫn đường
đến một tương lai môi sinh bền vững
Do Ban Báo chí Anh Quốc (nguyên văn tiếng Anh)


Hiện tượng thay đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, nhưng căn nguyên của vấn đề bắt đầu từ địa phương".
Pedro Ballesteros Torres,
Quản lý chiến dịch Năng lượng Bền vững của Liên Hiệp Âu Châu
Nhiều thành phố Âu Châu đã đưa trách nhiệm môi sinh vào cấp địa phương. Họ đã thành lập những chương trình vừa thực tế và vừa hữu hiệu, âm thầm dẫn đường đến môi sinh bền vững – đạt những chỉ tiêu vượt trên Nghị định thư Kyoto, và gợi hứng cho những đề xướng "xanh" trên khắp thế giới.

Ðáng chú ý nhất là một thành phố nhỏ và yên tĩnh ở miền nam Thụy Ðiển mang tên Vaxjo, đã trở thành một nơi nghỉ mát "xanh", thu hút các nhà lãnh đạo chính trị, khoa học gia và doanh nhân thế giới đến ngưỡng mộ và động viên bởi sự những chương trình môi sinh hết sức thành công đã đoạt Giải Năng lượng Bền vững từ Liên hiệp Âu Châu.

Những nỗ lực môi sinh của thành phố Vaxjo bắt đầu từ thập niên 1970! Việc làm sạch những hồ nước gần đó bị ô nhiễm bởi công nghiệp và nông nghiệp địa phương đã khởi đưa thành phố vào cuộc hành trình bảo vệ môi sinh. Từ năm 1993, lượng thán khí thải của thành phố đã liên tục giảm bớt đến 30% vào năm 2006, tỷ lệ dưới mức khí thải bình quân 3.236 ký cho mỗi đầu người trên toàn cầu hàng năm. Thành phố Vaxjo đang nhắm vào chỉ tiêu giảm bớt 50% khí thải trước năm 2010, và giảm bớt 70% trước năm 2025 (so với năm 1993), để trở thành một thành phố không dùng nhiên liệu hóa thạch.

Sự giảm thiểu khí thải lớn nhất đến từ các xưởng cung cấp khí sưởi và sản xuất năng lượng cho thành phố. Họ đã đốt gỗ thải từ lâm nghiệp địa phương thay vì dầu xăng để sản xuất điện lực. Nước giải nhiệt bị hâm nóng trong tiến trình này sẽ được dùng vào hệ thống sưởi ấm thành phố. Tro từ các lò đốt được đem về rừng để làm phân bón.

Vào năm 1994, Vaxjo bắt đầu thay thế tất cả các bóng đèn đường bằng những bóng đèn tiết kiệm năng lượng. Thành phố sẽ hoàn tất chương trình trang bị bóng đèn trước năm 2009, có thể giảm bớt thán khí đến 6000 tấn mỗi năm.

Thí dụ về đèn đường tiết kiệm năng lượng
Cung cấp bởi Top Tower Technology Co., LTD.
Những cách thay thế cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Những bước tiến mới đã được đưa ra để giảm bớt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong những phương tiện di chuyển công cộng trong thành phố. Khí sinh học sản xuất tại một xưởng lọc nước thải địa phương được sử dụng cho hệ thống di chuyển công cộng. Dân chúng được khuyến khích mua loại xe thân thiện môi sinh, với sự tài trợ của chánh quyền, và được đậu xe miễn phí ở bất cứ nơi nào trong thành phố. Ðược tài trợ bởi hội đồng thành phố, Tắc-xi Vaxjo đã giảm 20% số cây số đường di chuyển, nhờ vào một hệ thống định vị cao cấp để xác định vị trí những chiếc tắc-xi qua vệ tinh, để chiếc xe gần nhất sẽ được gửi đi đón hành khách. Các tài xế cũng được gửi đi học một khóa "lái xe sinh thái", để học hỏi cách lái xe một cách tiết kiệm nhiên liệu nhất. Ngoài ra, công ty cũng có những xe tắc-xi hỗn hợp xăng điện, hoặc chạy bằng ethanol, hay khí sinh học.

Nhiều nỗ lực khác đã được thực hành trên khắp thành phố, bao gồm trợ cấp tài chánh cho những tư gia sử dụng kính năng lượng mặt trời, lò đốt củi hoặc những viên gỗ nhỏ để thay thế cho dầu; đo lường số điện dùng cá nhân trong các nhà nội trú sinh viên; và xây dựng khu gia cư mới với những tòa nhà chung cư hoàn toàn bằng gỗ cao nhất Âu Châu. Thành phố Vaxjo nằm giữa một vùng lâm nghiệp, nơi đòi hỏi ít năng lượng để sản xuất và vận chuyển gỗ hơn thép hoặc bê tông.

Stockholm, một thành phố "sạch" hơn.
© Nhiếp ảnh gia: Harryfn, Công ty: Dreamstime.com


Tuy nhiên, thành phố nhỏ bé với 80 ngàn cư dân này không đơn độc trong nỗ lực vĩ đại giải quyết vấn đề toàn cầu này. Từ năm 1996, thành phố Stockholm đã thành công trong việc dẫn đầu chương trình ZEUS (xe có khí thải zê-rô và thấp trong thành thị) của Âu Châu , đưa đến việc sản xuất những "xe sạch" trong khắp thành phố, bắt đầu với tất cả xe công cộng. Những phương tiện chuyên chở thân thiện môi sinh này hoặc là sử dụng nhiên liệu sinh học, hoặc có mức khí thải dưới 120g thán khí trên mỗi cây số đường, thường là xe hỗn hợp hoặc xe thật nhỏ. Hội đồng thành phố đã làm việc với những công ty nhiên liệu và Liên hiệp Âu Châu, để phát triển nguồn cung cấp nhiên liệu sinh học. Qua việc cộng tác với chánh quyền trong nước, các tổ chức phi chính phủ và những thành phố khác, họ đã có khả năng tài trợ và giảm thuế cho những người mua xe thải khí sạch. Xe "xanh" hiện tạo thành 20% tổng số xe bán ra trong thành phố; và Stockholm hiện tại là thành phố có tỷ lệ cao nhất của loại xe này ở Âu Châu, đóng góp cho sự cắt giảm 200 ngàn tấn thán khí mỗi năm.

Thành phố hải cảng Goteborg của Thụy Ðiển cũng đang trên đường tiến đến một hành tinh xanh. Thông thường, hầu hết tàu bè đều lấy điện từ máy phát điện trên tàu, chạy bằng động cơ dầu cặn bổ sung – một phương pháp ô nhiễm và tiêu thụ nhiều năng lượng. Thành phố Goteborg đã phát triển một hệ thống cung cấp năng lượng trên bờ, bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo từ tua-bin gió, để cung cấp năng lượng cho tàu đậu tại cảng; đã giảm bớt khí thải của tàu bè đậu tại cảng từ 94% đến 97%! Chương trình này đã đoạt giải "Ðại dương sạch" của Hội đồng Âu Châu cho những thành quả môi trường xuất sắc trong năm 2004.

Những chọn lựa khôn ngoan tiết kiệm năng lượng và tiền bạc


Trại sản xuất năng lực bằng gió ngoài khơi cung cấp điện lực cho các tư gia trên bờ.
© Nhiếp ảnh gia: Rodiks, Công ty: Dreamstime.com


Thành phố Copenhagen của Ðan Mạch lấy 97% nhiệt sưởi ấm từ khí thải sạch, đáng tin cậy và rẻ tiền thu thập từ tiến trình sản xuất điện lực. Hệ thống này được thiết lập vào năm 1984 bởi 5 vị thị trưởng, cộng tác với công ty Khí sưởi Thành phố Copenhagen (CTR), cùng điều hành với công ty chi nhánh VEKS. Với những xưởng ghép chung nhiệt và điện chuyển từ việc dùng than sang khí thiên nhiên và nhiên liệu sinh học (rơm và gỗ), chương trình này đã cắt giảm 1.400 Âu Kim mỗi năm chi phí tiêu thụ năng lượng trung bình của mỗi gia đình, và tiết kiệm cho thành phố Copenhagen mức độ tương đương với 203.000 tấn dầu mỗi năm, hay 665.000 tấn thán khí thải.

Ngoài ra, Copenhagen còn có trại sản xuất năng lượng bằng hơi gió ngoài khơi lớn hàng thứ nhì trên thế giới, với 80 tua-bin gió sản xuất 160 Megawatt, đủ cung cấp cho 150 ngàn tư gia tại Ðan Mạch, hay 2% tổng số tiêu thụ điện lực của Ðan Mạch. Những tua-bin ngoài khơi sản xuất gấp rưỡi nhiều điện lực hơn những tua-bin trên đất liền. Trại đã giảm bớt được 660 ngàn tấn thán khí mỗi năm.

Không khí sạch và thân thể lành mạnh!


Thêm vào đó, Copenhagen còn là thiên đàng cho những người đi xe đạp, cung cấp một môi trường an toàn, chắc chắn và hữu hiệu cho người đi xe đạp. Vào năm 1995, thành phố đã cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng, cho phép mọi người được mượn và trả xe đạp tại 120 giá xe đạp khắp trong trung tâm thành phố. Tài trợ bằng quảng cáo sự bảo trợ, chương trình hợp tác giữa chánh quyền và tư nhân được điều hành bởi một tổ chức phi lợi nhuận: Tổ chức Xe đạp Thành phố của Copenhagen. Tổ chức này còn cung cấp việc làm cho các tù nhân và người thất nghiệp trong công việc làm sạch đường phố. Hiện tại, với 36% dân chúng đạp xe đi làm hay đi học; và mục tiêu gia tăng việc sử dụng xe đạp đến 50% trước năm 2015, Copenhagen đã thật sự trở thành "thành phố của người đi xe đạp".

Tại Pháp, kế hoạch Vélo’v được phát động vào tháng 5, 2005. Với một thẻ hội viên trả tiền trước cho lệ phí 1 Âu Kim cho mỗi tuần, và 5 Âu Kim cho suốt năm, người dân có thể mướn xe đạp trên khắp thành phố. Hơn 3000 chiếc xe đạp tại hơn 350 trạm xe đã được đặt trên khắp hai thành phố LyonVilleurbanne. Kế hoạch Vélib của Ba Lê, phát động vào tháng 7, 2007, mô phỏng theo kế hoạch Vélo’v, nhưng lớn hơn nhiều. Với 10.600 chiếc xe đạp tại 750 điểm cho mướn xe, với tối thiểu 15 xe đạp tại mỗi trạm, thị trưởng Bertrand Delanoe hy vọng rằng kế hoạch Vélib sẽ giảm bớt sự tắc nghẽn giao thông trong thành phố đến 40% trước năm 2020. Những chương trình xe đạp cộng đồng cũng được thực hiện tại các thành phố Stockholm, Barcelona, Luân Ðôn và một số các thành phố tại Ðức và Hà Lan.

Luân Ðôn đã thực hành chương trình "lệ phí giao thông vùng trung tâm", là một chương trình đóng lệ phí 8 bảng Anh mỗi ngày cho những ai lái xe hoặc đậu xe trên đường phố trong vùng đông xe, giữa 7 giờ sáng và 6 giờ chiều trong những ngày làm việc. Trong tháng 2 năm 2007, vùng này đã được mở rộng gấp hai lần thành 38 cây số vuông, là vùng lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê chính thức, giao thông trong vùng đóng lệ phí đã giảm bớt 20%, tương đương với việc giảm bớt được 75.000 chiếc xe mỗi ngày, đưa đến việc giảm bớt 20% đến 30%, hay 60.000 tấn khí thải mỗi năm. Nhiều người lái xe đã chuyển sang phương tiện giao thông công cộng hoặc đi xe đạp.

Vào tháng 8, 2007, Stockholm đã trở thành thành phố thứ nhì, sau Luân Ðôn, khởi sự chương trình lệ phí giao thông. Chương trình thử nghiệm này bắt đầu từ năm 2006, đã giảm lượng thán khí đến 14% và tắc nghẽn giao thông đến 22%. Một thí dụ khác về hoạt động môi sinh thành công tại cấp địa phương, là dự án năng lực mặt trời của thành phố Barcelona. Là thành phố Âu Châu đầu tiên áp dụng Quy định Nhiệt năng Mặt trời

(STO) vào năm 2000, Barcelona đã bắt buộc sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp 60% nước nóng dùng trong tất cả những tòa nhà mới, tái sửa sang, hay những tòa nhà thay đổi cách sử dụng. Quy định này áp dụng cho cả các tòa nhà tư nhân lẫn công cộng, được thiết kế để khai thác trung bình 2.800 giờ ánh sáng mặt trời mỗi năm của thành phố. Ðiều hành bởi Cơ quan Năng lượng Barcelona (BEA), theo ước tính sẽ tiết kiệm được hơn 25.000 megawatt mỗi năm do việc áp dụng quy định này. Kế hoạch này đã được hàng chục thành phố khắp quốc gia Tây Ban Nha áp dụng, tạo hứng khởi cho luật pháp quốc gia đưa ra những đòi hỏi tương tự, nhưng ít nghiêm nhặt hơn.

Sự thay đổi khí hậu quả thật là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự cộng tác, cũng như hành động quốc tế và quốc gia. Tuy nhiên, như đã đề cập trong phần đầu, nguồn gốc của vấn đề là từ địa phương, và trách nhiệm giải quyết vấn đề thuộc về tất cả mọi tầng lớp chánh quyền, đủ mọi tổ chức, xuống đến mỗi một công dân của Ðịa cầu. Xin cảm tạ và chúc mừng tất cả những thành phố Âu Châu đã can đảm nhận lãnh trách nhiệm, và tìm ra những biện pháp hữu hiệu, hầu giúp bảo trì Ðịa cầu xinh đẹp mà Thượng Ðế đã ban cho chúng ta. Hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ được khích lệ từ những hành động và tinh thần trách nhiệm của họ, đem sự quan tâm môi trường vào đời sống hàng ngày, và giúp đỡ bằng bất cứ cách nào có thể để phục hồi hành tinh xinh đẹp của chúng ta. 


Xe đạp sử dụng trong kế hoạch Vélo’v.
© Nhiếp ảnh gia: Jakezc, Công ty: Dreamstime.com
Luân Ðôn - giảm tắc nghẽn trong thành phố bằng lệ phí giao thông.
© Nhiếp ảnh gia: Stephen Finn, Công ty: Dreamstime.com
Ba Lê khuyến khích người dân đi xe đạp để bớt kẹt xe.
© Nhiếp ảnh gia: David Hughes, Công ty: Dreamstime.com
Kính năng lượng mặt trời khổng lồ tại Barcelona.
© Nhiếp ảnh gia: Andrew Chambers, Công ty: Dreamstime.com