Do một đồng tu thường trú tại Tây Hồ, Formosa

Trong những năm đầu làm việc bên Sư Phụ, chúng tôi thường thấy Ngài đảm trách rất nhiều công chuyện và làm việc dưới rất nhiều áp lực. Ðể theo kịp với Ngài, chúng tôi - những đệ tử - phải luôn luôn tập trung vào công việc của mình. Dầu vậy, chúng tôi cũng phải chia ca mới có thể đương đầu nổi với số lượng công việc lớn lao của Sư Phụ.

Bên cạnh Ngài, tôi vừa tập trung vừa im lặng bởi vì đây là cách Sư Phụ làm việc. Từ trường của Ngài tạo ra một bầu không gian thoải mái, an bình và tĩnh lặng, giúp chúng tôi tập trung vào mắt trí huệ một cách tự nhiên. Chúng tôi do đó có thể suy nghĩ sáng suốt và hành động lẹ làng khi làm việc với Ngài. Nhưng khi ở xa Ngài, khả năng này lu mờ đi, và chúng tôi trở lại bản tính lơ đãng, biếng nhát cũ của mình. Từ những kinh nghiệm này, bây giờ tôi mới hiểu được mục tiêu mà tôi phải luôn đạt đến.

Trên con đường tâm linh, chúng ta gieo thứ gì thì gặt hái được thứ đó. Danh từ "may mắn" không có trong từ ngữ của chúng tôi. Một hôm, Sư Phụ dạy chúng tôi tầm quan trọng của sự bền tâm, nghiêm chỉnh trong việc tu hành và không dựa vào may rủi. Ngày hôm đó, Sư Phụ kêu tôi đến nhà riêng của Ngài. Sư Phụ đang ăn, và mời tôi cùng dùng bữa. Trong lúc ăn uống, trò chuyện, chúng tôi nhắc qua về một sư huynh đồng tu có lần bảo chúng tôi rằng anh thật sự đã bỏ được tánh ganh tỵ, chua chát, tức giận, cùng với những cảm xúc không tốt theo đó. Tôi cho rằng như vậy thì hay quá, và rất ngưỡng mộ anh ấy! Tôi từ lúc nhỏ đã có tính hay ganh, và cũng muốn bỏ được tính này, nhưng mọi cố gắng đều vô hiệu. Mặc dầu ngưỡng mộ vị sư huynh kia đã thoát khỏi sự ràng buộc ấy, tôi cũng cảm thấy buồn cho thân phận.

Nhưng Sư Phụ không đồng ý, khiến tôi ngạc nhiên, bối rối. Rồi Ngài nói: "Chỉ mới đuổi được một kẻ thù mà đã đứng lên hoan hỉ, tới giờ phút kế lại bị một cú đạn khác thôi." Sư Phụ có ý nói rằng người đó quá tự mãn với chính mình rồi sẽ không còn cảnh giác. Kết quả, một thứ tính không tốt khác chẳng bao lâu sẽ bộc phát mà họ không hay biết. Tôi sửng sốt một hồi, nhưng nhận ngay rằng dù khó khăn phấn đấu với chính mình, tôi cũng cần phải luôn luôn đề cao cảnh giác như mình đang bước trên một lớp đá băng. Không thể tự mãn, không thể lỏng lẻo với chính mình.

Dẫn dụ của Sư Phụ đã làm tôi liễu ngộ được rằng sự tu hành trong thế giới này cũng giống như việc chiến đấu ngoài mặt trận. Chúng ta bảo vệ được nội tâm và cải biến tính nết của mình được hay không còn tùy vào sự thành tâm đòi hỏi ở chính mình. Thời bấy giờ, tôi có một quan niệm sai lầm lớn nhất, tưởng rằng đề cao cảnh giác có nghĩa là tinh thần và thể xác phải căng thẳng. Dĩ nhiên, tôi trở nên rất mệt mỏi vì quá căng thẳng, nên tự hỏi không biết bao giờ tôi mới có thể thả lỏng sự đề phòng một chút. Tôi hỏi Sư Phụ: "Vậy thì khi nào đấu tranh mới dứt?" Ngài gật gù trả lời: "Nó sẽ dứt, sẽ dứt! Khi nào mình chết thì nó dứt."

Câu trả lời của Sư Phụ nhắc tôi nhớ lại những đòi hỏi của Ngài đối với bản thân. Có hôm Sư Phụ gặp một nhóm đông đồng tu, và tối hôm ấy Ngài hỏi tôi: "Bữa nay Sư Phụ trả lời người đó như thế. Sư Phụ có quá nghiêm khắc với ông ấy không?" Tôi ngạc nhiên nghĩ bụng: "Mọi việc Sư Phụ làm đều hoàn mỹ. Tại sao Ngài hỏi ý kiến tôi?" Một trong những lý do mà Sư Phụ quá hoàn mỹ là vì Ngài rất nghiêm khắc với chính mình và luôn tự quán xét. Ngài thường nhắc nhở chúng ta phải suy nghĩ ba lần trước khi hành động, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Không những phải suy nghĩ, trù tính cẩn thận trước khi hành động mà còn phải quán xét lại chính mình sau đó. Sư Phụ thật sự thực hành những gì Ngài nói. Vài lời nói này từ Ngài cũng đủ ảnh hưởng lớn lao đối với tôi; cho đến hôm nay, tôi vẫn còn được lợi ích.


Những Mẫu Chuyện Trong Thuở Ban Sơ Sống Với Sư Phụ - Mỏng Manh
Những Năng Khiếu Không Thể Nghĩ Bàn Của Sư Phụ
Những Bài Học Từ Mấy Miếng Sâm