Tương lai con em chúng ta
nằm trong tay quý vị


Do Ban Báo chí Hoa Kỳ (nguyên văn tiếng Anh)


Trong niềm ao ước muốn giữ trái đất chúng ta an toàn cho những thế hệ mai sau, nhà văn, tài tử và nhà làm phim Hoa Kỳ, Turk Pipkin, đã đi tìm giải pháp làm cách nào để có một tương lai tươi sáng hơn.

"Nobelity" là cuốn phim nói về việc "chúng ta giúp đỡ bằng cách nào". Trong cuộc hành trình tìm kiếm để hiểu thêm cũng như là tìm giải pháp cho những vấn nạn của thế giới, ông Pipkin đã phỏng vấn 9 vị đã nhận lãnh giải Nobel trong các ngành vật lý, hóa học, y khoa, kinh tế và hòa bình. Những vị này bao gồm người sáng lập phong trào Vòng đai xanh (Green Belt Movement) bà Wangari Maathai (Giải Nobel Hòa bình 2004), lãnh đạo tổ chức Hòa giải Nam Phi (South African Reconciliation) giám mục Desmond Tutu (Giải Nobel Hòa bình, 1984), khoa học gia vật lý nguyên tử và nhà hoạt động giải trừ quân bị Sir Joseph Rotblat (Giải Nobel Hòa bình, 1995), là khoa học gia nguyên tử 96 tuổi từng hợp lực với Albert Einstein phản đối việc vũ trang nguyên tử.

Cuốn phim được đưa ra nhằm mục đích giới thiệu và đồng thời đã đánh thức nhân loại về những vấn đề mà tinh cầu chúng ta đang trực diện: sự chăm sóc sức khỏe, đất bị chôn mìn, vũ khí nguyên tử, khủng hoảng năng lượng, nạn đói thế giới, sự thoái hóa môi trường, và tương lai con cái chúng ta.

Tuy nhiên, khác với những phim tài liệu chỉ phơi bày vấn đề, "Nobelity" tối hậu là cuốn phim khiến cho mọi người có hứng khởi tìm giải pháp cho những vấn nạn này. Cuốn phim nhấn mạnh rằng một người có thể tạo nên sự thay đổi nếu họ quyết tâm làm một việc gì đó. Giám mục Desmond Tutu đã bày tỏ điều này thật lưu loát: "Ðại dương thật ra được tạo bởi nhiều giọt nước. Chúng ta làm gì, ở đâu, đều có tầm quan trọng".

Thông điệp của cuốn phim là, hòa bình và một tương lai tươi sáng không phải chỉ là một ước vọng viển vông, lý tưởng, một viễn ảnh không thể đạt được, mà là một thực tế có thể thành tựu qua sự cộng tác, lòng nhân ái và nỗ lực.