Tường trình theo xếp hạng và đánh giá của Sư Phụ



TRUNG HOA LỤC ÐỊA


Chính sách ngoại giao thân thiện
được thế giới ngợi khen


Do một đồng tu từ Trung Quốc (nguyên văn tiếng Trung Hoa)


Ðể giảm thiểu sự lo ngại của quốc tế về lý thuyết "hiểm họa Trung Quốc", Trung Quốc đã ra nỗ lực đặc biệt để tạo nên một môi trường quốc tế an toàn qua một chính sách ngoại giao nhắm vào việc bảo đảm hòa bình, hòa thuận và thịnh vượng cho những quốc gia láng giềng, và đối xử với họ như là người thân và bằng hữu tốt.

Ðối xử với láng giềng như người thân và bằng hữu đã là một đức tính truyền thống của người Trung Hoa từ cổ xưa. Trong một cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 9 năm 2005, kỷ niệm năm thứ 60 của Liên Hiệp Quốc, chủ tịch Hồ Cẩm Ðào nói về nỗ lực của Trung Quốc hầu xây dựng một thế giới hòa bình và san sẻ thịnh vượng. Ðiều này đã trở thành nguyên tắc chính của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao để tạo nên một thế giới hòa bình hơn, giảm thiểu mâu thuẫn và tranh chấp với những quốc gia khác.

Hội Ðồng Nhà nước Trung quốc gần đây đã triệu tập một nhóm chuyên viên để nghiên cứu và soạn thảo một Bạch thư về Chính sách Ngoại giao Hòa đồng, với những điều khoản rõ rệt về lý tưởng một thế giới hòa đồng sẽ được đưa vào chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc. Sự kiện này cho thấy chính sách ngoại giao của Trung quốc sẽ nhắm vào việc cải thiện tương quan quốc tế vượt khỏi sự đối lập và tranh chấp. Ðiều này cũng cho thấy sự xuất hiện của một siêu cường lực quan tâm đến hòa bình thế giới.

Các phân tích gia đã kêu gọi sự hòa nhập văn hóa toàn cầu, với mỗi nền văn hóa tiếp tục duy trì những sở trường cá nhân của nó. Khi đưa vào phương diện ngoại giao, quan niệm về sự "hòa hợp trong đa dạng" đã được diễn dịch thành quan niệm "thế giới hòa đồng" trong chính sách ngoại giao mới của Trung quốc


Trong hơn 3 năm qua, Trung Quốc đã có những nỗ lực ngoại giao nhắm vào sự hòa đồng, đã được quốc tế ngợi khen vì Trung Quốc đã duy trì lý tưởng này và đã đứng trung gian để điều đình một giải pháp hòa bình cho "3 đề tài được chú ý nhất của thế giới": vấn đề vũ khí hạt nhân tại bán đảo Hàn Quốc, vấn đề Iran và cuộc khủng hoảng tại Trung Ðông. Trong năm 2006, Trung Quốc đã có những nỗ lực ủng hộ hòa bình và hòa đồng quốc tế qua việc triệu tập 3 cuộc họp thượng đỉnh tập trung vào khái niệm thế giới hòa đồng: Cuộc họp ASEAN-Trung quốc tại Nam Kinh, cuộc họp Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại thành phố Thượng Hải, và cuộc họp tại Bắc Kinh về sự hợp tác giữa Trung Quốc và Phi Châu.

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã thực hành khái niệm thế giới hòa đồng, và đã xuất hiện như một trung tâm ngoại giao hoàn vũ thứ ba sau Mỹ và Liên hiệp Âu Châu. Ðây là một chiều hướng mới khác với chính sách trong quá khứ tập trung vào việc xây dựng lực lượng quân sự. Và thay đổi mãnh liệt này đã tạo nên ảnh hưởng lớn cho Á Châu và toàn thế giới. Ðiều này biểu lộ sự xuất hiện của một quốc gia vĩ đại hướng về hòa bình thay vì sức mạnh quân sự. Nhìn từ một viễn ảnh lớn, những phát triển này cũng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang bước vào một thời đại hòa bình và thịnh vượng, với sự phục hưng của thời đại Hoàng Kim vinh quang cổ xưa, thời mà những người dân Trung Hoa khiêm nhường và cao thượng luôn mong mỏi sự hòa bình và hòa thuận.