Tường trình theo xếp hạng và đánh giá của Sư Phụ
 

HÀN QUỐC


Chính sách khai ngộ của Hàn Quốc


Do Ban báo chí Hàn Quốc (nguyên văn tiếng Ðại Hàn)




Chính sách Nhật quang
Ðây là chính sách hòa giải trọng yếu hướng về Bắc Hàn mà Cựu tổng thống Kim Ðại Trung từng chủ trương. Ý tưởng của chính sách này đến từ một truyện ngụ ngôn của tác giả Aesop "Gió và mặt trời", về chuyện làm cho một người cởi bỏ áo khoác dài mùa đông bằng ánh nắng mặt trời thay vì bằng gió. Ðiều này có nghĩa là, chính sách hướng về Bắc Hàn không nên dựa trên sự xung đột mà qua sự viện trợ nhân đạo, để dẫn đến việc Bắc Hàn sẽ mở cửa. Ông Kim Ðại Trung đã gửi một đàn bò và phân bón đến miền bắc, và việc này đã đưa đến cuộc hội nghị thượng đỉnh lịch sử với người đối tác của ông, chủ tịch Kim Chánh Nhật vào năm 2000. Tiếp theo ngay sau đó, là cuộc sum họp giữa các gia đình đã cách biệt từ cuộc chiến Hàn Quốc. Do những thành quả này, ông Kim Ðại Trung đã được trao giải Nobel Hòa bình thế giới.

Vị tổng thống đương nhiệm, ông Lô Vũ Huyễn (Roh Moo-hyun), cũng ủng hộ chính sách Nhật Quang, tiếp tục gửi thực phẩm và phân bón đến miền bắc để giúp người Bắc Hàn đang bị nạn đói. Qua nỗ lực này, chính sách Nhật Quang đã ảnh hưởng chính quyền cộng sản trong việc khởi xướng hai dự án Liên Triều Tiên: khu kỹ nghệ Khai Thành (Kaesong) và du lịch Ðỉnh Cương Sơn (Kumgang). Ðược đầu tư bởi các công ty Nam Hàn, một khu kỹ nghệ đã được thành lập tại Khai Thành (Kaesong) thuộc Bắc Hàn, gần vĩ tuyến thứ 38, là ranh giới chia cách Bắc và Nam. Người Nam Hàn cũng bắt đầu du lịch Ðỉnh Cương Sơn, một điểm du lịch nổi tiếng của miền Bắc.

Tuy nhiên, chính sách Nhật Quang đang gặp phải một giai đoạn khó khăn sau khi Bắc Hàn thử vũ khí hạt nhân vào tháng 10 vừa qua. Những tổ chức bảo thủ tại Nam Hàn đã kêu gọi chấm dứt chính sách này. Một tổ chức quốc tế cũng dự định cấm vận miền Bắc bằng một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nếu những giải pháp cấm vận được thi hành, Bắc Hàn sẽ trải qua cảnh ngộ khó khăn như giữa thập niên 1990, khi nhiều người dân bị chết vì nạn đói. Vụ mùa hàng năm tại miền Bắc sản xuất được khoảng 4 triệu tấn, trong khi phải có tối thiểu là 6 triệu tấn mới có thể tránh được nạn đói. Mặc dù có sự chống đối từ những đảng đối lập, chính quyền Lô Vũ Huyễn tuyên bố sẽ không lịch Ðỉnh Cương Sơn và khu kỹ nghệ Khai Thành, gọi hai dự án Liên Triều Tiên này là "tiêu biểu cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên". Trong một cuộc phỏng vấn, ông Lô đã phát biểu: "Một số người cho rằng chúng ta không nên sợ chiến tranh. Ðiều này thật sự vô trách nhiệm và nguy hiểm. Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ đem đến tai nạn hủy diệt toàn diện cho toàn thể nhân dân Ðại Hàn, trong đó không có ai là kẻ thắng người bại".

Thêm vào đó, vị bộ trưởng thống nhất mới được bổ nhiệm cho biết, viện trợ nhân đạo cho Bắc Hàn nên tiếp tục dù miền Bắc tiến hành cuộc thử bom hạt nhân lần thứ hai. Tất cả những lời lẽ khẳng định này có lẽ đã gửi một thông điệp tốt đẹp đến miền Bắc. Gần đây, quốc gia cô lập này đã quyết định trở lại cuộc hội nghị 6 bên để bàn về hòa bình và đàm phán hạt nhân. Thật ra, hiện tại là lúc chính sách Nhật Quang đang cần thiết nhất, vì dù rằng miền bắc chưa cởi áo khoác – tự cô lập cho dù đang có rất nhiều ánh nắng mặt trời, sự chuyển sang gió mạnh sẽ khiến cho miền bắc càng giữ áo chặt hơn.

Bảo hiểm sức khỏe tại gia cho người già


Hệ thống bảo hiểm sức khỏe tại gia mới này sẽ được áp dụng vào tháng 7 năm 2008, là một dịch vụ nhằm ổn định đời sống của những người già bệnh hoạn hoặc mất khả năng để giảm thiểu gánh nặng cho gia đình họ. Những người chăm sóc đặc biệt đã được huấn luyện để thăm viếng những gia đình có người già, nhằm cung cấp các dịch vụ như tắm rửa, giúp đỡ việc vệ sinh cá nhân, thay y phục, lau dọn, mua nhu yếu phẩm và nấu ăn. Ðối với những người bệnh, sẽ có y tá đi chung với nhân viên chăm sóc để giúp việc điều trị và cố vấn. Những ai không có gia đình có thể được đăng ký vào những trung tâm chăm sóc. Quỹ dịch vụ này hầu hết được chính quyền trợ cấp.

Cung cấp thuốc HIV/AIDS miễn phí


Những người nhiễm HIV/AIDS tại Nam Hàn được chính quyền trung ương và địa phương cấp thuốc miễn phí. Từ khi chương trình chống bệnh AIDS mang tên liệu pháp cốc-tay hỗn hợp (bao gồm 3 loại thuốc AIDS) được giới thiệu tại Nam Hàn vào năm 1997, những người nhiễm bệnh đã không tự cô lập, mà luôn luôn liên lạc với những trung tâm y tế công cộng để được chữa trị. Ðiều này đã khiến cho vi khuẩn không bị lây lan. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS tại Nam Hàn ít hơn 0,1%, vào tháng 6, Kim Niên 3 (2006) chỉ có 4277 trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo.

Luật chống mãi dâm


Chính quyền Nam Hàn đã ra luật chống mãi dâm vào tháng 9, Kim niên 1 (2004). Mục tiêu luật này không những nhằm vào việc giảm bớt nạn mãi dâm mà còn nâng cao ý thức quần chúng, rằng mua dâm là tội ác hoặc tối thiểu cũng là một hoạt động đáng xấu hổ. Cùng với sự thi hành luật, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO - Non-governmental organizations) liên quan đến phụ nữ cũng tổ chức những cuộc vận động giáo dục quần chúng, để thông tin rằng sự mua dâm là hành động bạo lực xâm phạm đến nhân quyền của phụ nữ và làm hại sức khỏe của họ. Từ khi luật chống mãi dâm bắt đầu có hiệu lực, con số nhà mãi dâm và phụ nữ bán dâm đã giảm bớt nhiều trong những năm vừa qua. Ngoài ra, còn có những chương trình cải tạo các phụ nữ mãi dâm. Một số vùng "đèn đỏ" hầu như đã biến mất, và sự xâm phạm nhân quyền tại những vùng đèn đỏ này cũng chấm dứt dù rằng những hoạt động mãi dâm vẫn xảy ra tại những vùng dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, luật chống mãi dâm đã đem lại những ảnh hưởng khẳng định đối với quần chúng. 


Những thành viên của Liên hiệp Âu Châu thăm viếng khu kỹ nghệ Khai Thành.
Những nhà đầu tư Nam Hàn thăm viếng khu kỹ nghệ Khai Thành.


Người Nam Hàn đi ngắm cảnh trên Ðỉnh Cương Sơn.