Dùng chung một ngôn ngữ đại đồng
giúp mang lại sự thông cảm
và hòa bình trên địa cầu


Hải Vô Thượng Sư khai thị
ngày 30 tháng 9, 2006, Thiền Tứ tại Malaga, Tây Ban Nha
(nguyên văn tiếng Anh)


Ước gì cả thế giới chúng ta chỉ nói một thứ tiếng. Có một thứ tiếng thì tiện hơn, nhưng cũng có luôn tiếng bản xứ. Tôi có viết một bức thư gửi Chủ tịch Quốc hội Âu Châu, khen Liên hiệp Âu Châu về những thành quả, tất cả sự rộng lượng và tất cả những chính sách đẹp đẽ giúp cho Âu Châu trở thành một nơi chốn tốt hơn, với nhiều phúc lợi hơn cho dân chúng. Liên hiệp Âu Châu rất tốt. Những thành viên làm việc hết sức cho dân, và thật tình chăm lo bất cứ gì họ có thể làm được. Cho nên tôi khen họ ở chỗ đó, vì họ giúp đỡ rất nhiều các quốc gia chậm tiến.

Rồi tôi nói rằng, theo thiển ý của tôi, thì tốt biết mấy nếu tối thiểu tất cả những quốc gia thành viên của Liên hiệp Âu Châu học một ngôn ngữ, ngoài tiếng bản xứ của họ. Tôi không nói là bỏ tiếng bản xứ, bởi vì các quốc gia trong Liên hiệp Âu Châu có nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn làm được rất nhiều. Nhưng thử tưởng tượng nếu tất cả quốc gia thành viên nói cùng thứ tiếng? Sẽ rất dễ hiểu nhau, và sẽ tiến tới quyết định mau chóng hơn. Ý kiến của Liên hiệp Âu Châu là muốn đoàn kết trong sự đa dạng, và tôn trọng mọi văn hóa, mọi ngôn ngữ, điều đó rất hay. Tôi chưa bao giờ nghe thấy điều gì hay hơn là điều đó, nhưng chúng ta có thể bảo tồn văn hóa của mình đồng thời học thêm một ngôn ngữ nữa. Ðàng nào mình cũng cần.

Họ đã nói tiếng Anh trong những buổi họp của Quốc Hội và những nơi khác. Vậy sao không chọn một thứ tiếng thôi? Họ có thể chọn bằng cách bỏ phiếu. Tôi viết trong thư rằng: "Chúng ta có thể bầu công khai để chọn một ngôn ngữ". Rồi tất cả mọi người cùng bầu, như vậy Liên hiệp Âu Châu sẽ không có vẻ như thiên vị, chẳng hạn như thích tiếng Anh hơn và coi thường tiếng Ba Lan hay tiếng Pháp. Chúng ta có thể lập danh sách tất cả các ngôn ngữ rồi xem coi ngôn ngữ nào được nhiều người bầu nhất, sau đó chọn ngôn ngữ đó làm tiếng chính thức cho Liên hiệp Âu Châu. Còn lại cũng làm giống vậy. Qua đó, chúng ta sẽ nói chuyện, giao tiếp nhau dễ dàng hơn. Còn nhỏ đã học tiếng Anh thì quý vị sẽ nói giống như người Anh vậy. Như vậy dễ hơn. Sau đó quý vị có thể nói chuyện với bất cứ nước nào khác và có thể học những cái đẹp của nước đó vì đã hiểu nhau rồi.

Như vậy dễ hơn, theo thiển ý của tôi. Bởi vì, thật tình mà nói, ngay cả người thông minh nhất cũng không thể học tất cả ngôn ngữ trong cuộc đời của họ. Cho dù người đó có tôn trọng mọi văn hóa, mọi ngôn ngữ như thế nào, muốn biết nói tất cả ngôn ngữ như thế nào, cũng không sao làm được. Thứ nhất là bận rộn nhiều công việc khác. Thứ hai, não bộ chỉ chứa được một giới hạn nào đó. Và quan trọng nhất là thời gian: Ðời người ngắn ngủi. Cho nên tôi khuyến khích tất cả quý vị nên học tiếng Anh. Mặc dù không được bầu là ngôn ngữ chính thức trong Liên hiệp Âu Châu hay bất cứ hội đoàn nào, tiếng Anh cũng dễ hơn, ít nhiều cũng đã phổ biến rồi. Cho nên chúng ta không bầu, cứ việc học tiếng Anh thôi. Vậy được không? (Mọi người vỗ tay) Tôi bầu; một lá phiếu thôi. (Sư Phụ cười)

HIỂU NHAU SẼ GẦN GŨI,
CẢM THÔNG HƠN


Ví dụ như, nếu tôi nói tiếng Anh với một người Pêru, thì dễ dàng hơn. Sau đó, dù tôi không hiểu tiếng Pêru, người đó cũng có thể nói cho tôi biết tất cả những gì đẹp đẽ của đất nước họ bằng tiếng Anh, và tôi có thể kể cho họ biết tất cả những cái đẹp trong nước của tôi bằng tiếng Anh, rồi chúng ta đi từ đó. Nếu bắt đầu tình bạn với cùng thứ tiếng, thì sau đó tôi có thể học thêm tiếng Pêru hay người kia có thể học thêm tiếng Âu Lạc, nếu họ muốn, nếu họ có thời giờ. Có thể người đó muốn học tiếng Ba Lan thay vì vậy; nhưng tôi không lấy đó làm buồn. Hoặc họ có thể chọn tiếng Pháp để biết về nền văn hóa Pháp; tôi sẽ không cảm thấy đau lòng, bởi vì tôi cũng hiểu người đó bằng tiếng Anh.

Tôi thấy không thành vấn đề nếu chúng ta nói một thứ tiếng chung rồi học những tiếng bản xứ khác nếu muốn. Học trong trường từ nhỏ rồi mỗi quốc gia có hai ngôn ngữ: ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ bản xứ. Nếu hiểu ngôn ngữ đại đồng này thì quý vị có thể dịch tất cả kho tàng đẹp đẽ: văn chương hay, tất cả những cái mà quý vị muốn nói về đất nước mình, quý vị có thể viết xuống bằng tiếng Anh, và cả thế giới sẽ biết đến. Ví dụ như, người nào muốn biết về xứ Pêru, họ sẽ đọc và nói rằng: "Chao ôi, Pêru tốt quá! Pêru thật là cổ kính và phong phú về văn hóa; những người có tâm đạo rất tốt sống ở đó. Tôi thích người Pêru. Tôi đi đến Pêru và học hỏi thêm về người Pêru. Tôi cưới một người Pêru và bây giờ tôi sống ở đó!" (Mọi người cười và vỗ tay)

Cho nên mỗi người đều có sự chọn lựa. Nếu họ không thấy văn hóa Pêru có gì lôi cuốn đối với họ thì họ có thể chuyển sang tiếng Pháp, đọc đủ thứ về nước Pháp, bằng tiếng Anh. Rồi có thể họ nghĩ rằng: "Ồ, cái này nghe hay hơn." Rồi nếu thích, họ có thể sang Pháp, cưới vợ, lấy chồng, có con Pháp. (Mọi người cười) Nhưng nếu không thích, họ có thể chuyển sang Tây Ban Nha, đọc mọi thứ về văn chương, văn hóa và lịch sử của Tây Ban Nha. Rồi tùy ý họ thích hay không, họ có thể đi tỉnh Malaga, sống trong Trung tâm và xuất gia luôn ở đó. (Mọi người cười)

Hiểu được mọi người thì tốt. Thành thử tôi thấy có lợi hơn nếu chúng ta có một ngôn ngữ chính thức. Và tôi viết trong thư rằng tiếng Esperanto là một ý kiến rất hay, dù không phải người nào cũng hưởng ứng. Cho nên chúng ta không cần phải học ngôn ngữ nào khác; đã quá nhiều ngôn ngữ rồi. Cho nên cứ bầu cử công khai, rồi tất cả thành viên của Liên hiệp Âu Châu bầu một ngôn ngữ nào dễ nhất hoặc là thuận tiện nhất cho họ. Tại sao phân biệt? Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức hay không cũng chẳng sao. Tất cả quý vị đều là Liên hiệp Âu Châu rồi; chẳng phải chúng ta ở đó là vì tinh thần đoàn kết hay sao? Cho nên chọn ngôn ngữ nào cũng không thành vấn đề. Chúng ta không phải là người Anh hay người Ba Lan; chúng ta không còn là gì nữa cả. Phải nói rằng chúng ta là Liên hiệp Âu Châu. Như vậy ngôn ngữ nào được chọn cũng không sao; đó là giữa chúng ta, đúng không? Chúng ta chỉ chọn một ngôn ngữ nào nhiều phiếu nhất và tuyên bố cho mọi người biết. Sau đó học ngôn ngữ đó. Ðó là theo thiển kiến của tôi. (Vỗ tay)

KHUYẾN KHÍCH SỰ THỐNG NHẤT
NHƯNG VẪN GIỮ VẺ ÐẶC THÙ


Quan điểm của Liên hiệp Âu Châu cũng gần giống như chúng ta đây, chúng ta cũng tôn trọng những văn hóa khác nhau. Chúng ta có người Pêru ở đây để chứng minh, chúng ta có người Mễ Tây Cơ, người Ðức, người Anh, người Ba Lan, (khán giả: Người Columbia!), cả người Columbia nữa, từ xa xôi. Và chúng ta có người Puerto Rica, có người Bồ Ðào Nha, đủ mọi giống người ở đây. Nhưng nếu hiểu được nhau ngay từ giây phút đầu tiên thì tốt; chúng ta có thể chia sẻ với nhau bất cứ điều gì mình muốn mà không cần phải đợi một năm nữa tôi mới nói chuyện với anh được: (Sư Phụ nói đùa) "Ðợi ở đó đi. Một năm nữa tôi sẽ học tiếng Bồ Ðào Nha xong rồi tôi trở lại. Anh đợi tôi nghe!" "Tôi sẽ lấy anh, nhưng phải đợi một năm!"

Thật ra ngôn ngữ cũng không cần thiết nhiều như vậy; tình thương là cần nhất. Nhưng có điều là, nếu chúng ta có thể bày tỏ tình thương, ý kiến và những cái đẹp qua một ngôn ngữ đại đồng, thì giữa con người với nhau sẽ bớt chiến tranh, thêm hòa bình, hòa thuận và tình thương. Cho nên tôi khuyên quý vị rằng, nếu quý vị là người Pháp hay Ðức hay Tây Ban Nha, hãy cho con cái học tiếng Anh, học tư, nếu không học tiếng Anh được trong trường. Hầu hết những người học trong trường đều biết chút ít tiếng Anh. Dù chỉ đàm thoại những câu giản dị người ta cũng cảm thấy câu thông với nhau. Sự câu thông bên trong cần một thời gian lâu hơn. Có thấy phải mất thời gian bao lâu giữa tôi với quý vị không? Cho nên hãy câu thông với nhau từ bên ngoài trước! Bởi vì ngay cả dù mình là người Anh nói tiếng Anh với nhau, nhiều khi còn hiểu lầm nữa, thử tưởng tượng chúng ta sẽ hiểu lầm nhau tới cỡ nào nếu nói nhiều thứ tiếng như vậy. Và mỗi ngôn ngữ đều diễn tả một cách khác nhau!

Phải mất bao lâu để học tiếng Anh, nếu quý vị không học từ nhỏ? Hay bất kỳ ngôn ngữ nào; tiếng Anh chỉ là một ví dụ thôi, dù tiếng Anh cũng là giản dị lắm rồi, phải mất nhiều năm mới hiểu được tất cả những ẩn nghĩa. Như vậy làm sao hiểu được nhau nếu đợi tới khi lớn lên mới bắt đầu học ngôn ngữ khác? Cũng có thể được, nhưng không thể nào học hết được. Cho nên tốt hơn là tất cả các quốc gia họp lại với nhau bầu một thứ tiếng. Không phải chỉ Liên hiệp Âu Châu thôi, nhưng Liên hiệp Âu Châu sẽ bắt đầu từ đây, sau đó mọi quốc gia sẽ gia nhập học một ngôn ngữ. Rồi, ngoài tiếng bản xứ, chúng ta cũng bảo tồn mọi văn hóa. Chúng ta không giảm đi gì cả, chỉ hiểu nhau nhiều hơn thôi. Chúng ta sẽ trân quý lẫn nhau hơn nếu biết được thực hư. Nếu không biết thì làm sao tôn trọng, làm sao thương, làm sao câu thông được với người bản xứ nếu mình không hiểu gì về họ? Ví dụ như, rất nhiều người nói đến người Hồi giáo bên Ả Rập hay là bom nguyên tử ở Iran, nhưng đâu phải tất cả những người Iran đều xấu hay thậm chí họ có phải xấu hay không. Có điều phải mất lâu lắm mới hiểu được nhau. Cho nên, nếu chỉ có một thứ tiếng thôi thì chúng ta có thể chuyển dịch tất cả những điều hay lẽ đẹp từ bất kỳ ngôn ngữ nào sang Anh ngữ, và có thể đi vào bất cứ thư viện công cộng nào để chúng ta có được mọi dữ kiện về tất cả các quốc gia, như vậy mình sẽ hiểu nhau hơn. Thật dễ quá!

Mỗi ngôn ngữ đều có cái đẹp riêng của nó. Cho nên mình phải gìn giữ tất cả ngôn ngữ trên thế giới, điều đó là chắc rồi. Nhưng tôi vẫn nghĩ chúng ta phải có một ngôn ngữ đại đồng cho mọi người có thể hợp nhất và thuận hòa hơn, và thế giới sẽ sớm hòa bình. Tôi đề nghị tiếng Anh, nhưng nếu không thích thì quý vị có thể học tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Trung Hoa. Dĩ nhiên là học càng nhiều càng tốt, nếu có thời gian. Nhưng bắt đầu bằng tiếng Anh vì nó đơn giản hơn, nhiều người nói hơn, có đúng không? (Khán giả: Ðúng) Vậy thì mình sẽ làm như vậy. (Vỗ tay)

Phép mầu có xảy ra, nhưng ngoài phép mầu, khắp nơi trên thế giới quý vị cũng có thể kiếm được người nói tiếng Anh, và họ giúp quý vị được ngay. Ngôn ngữ rất quan trọng. Bao lần quý vị ra nước ngoài, dù chỉ biết nói bập bẹ vài ba tiếng của họ, họ cũng rất vui phải không? Tiếc là mình không có đủ thời gian trong đời người để học mọi ngôn ngữ; tiếng nào cũng hay cũng đẹp, cũng rất diệu kỳ! Cho nên nếu biết tối thiểu tiếng Anh, thì lúc nào mình cũng kiếm được người nói tiếng Anh nếu gặp trở ngại gì đó. Ngay cả tài xế tắc-xi cũng nói tiếng Anh. Chủ tiệm cà phê nói tiếng Anh. Người bồi bàn nói tiếng Anh. Quý vị có thể nhờ họ giúp, có thể hiểu nhau trước đã. Ở đâu cũng tìm được người nói tiếng Anh. Như vậy ít ra quý vị cũng giúp được mình.

Ðó là thiển ý của tôi. Nếu quý vị bị lạc ở một quốc gia nào đó mà không biết mình đang ở đâu hay đang đi đâu, quý vị đói bụng cần thức ăn, v.v..., nhưng nếu không biết tiếng ở đó thì quý vị làm sao? Lúc nào, ở đâu cũng có người biết tiếng Anh. Ðó là do kinh nghiệm của tôi.

BẮT ÐẦU HỌC TỪ BÂY GIỜ


Vậy tôi nghĩ chúng ta có thể bắt đầu cho con cái học tiếng Anh. Học tư còn hơn là không có gì cả. Quý vị có thể mượn thầy giáo tư hay một đồng tu nào đó cần kiếm chút đỉnh tiền có thể dạy các em Anh ngữ căn bản, nếu nhà trường không dạy Anh ngữ hoặc nếu các em còn nhỏ quá không được học tiếng Anh ở trường. Bởi vì nhiều khi họ không bắt đầu dạy ngoại ngữ cho tới khi lên đến trung học, như vậy trễ quá. Không phải vì tôi là công dân nước Anh mà tôi khuyên quý vị như vậy. Chỉ là trong kinh nghiệm du hành của tôi, biết tiếng Anh đỡ lắm: làm sáng tỏ mọi hiểu lầm, để tìm chỗ mình tới hay muốn kiếm cái gì đó cần thiết. Quý vị có thể tổ chức như là một người thầy dạy tiếng Anh cho cả Trung tâm Malaga hay Madrid, cho con cái hay cho chính quý vị. Học với thầy càng nhiều càng tốt; rồi sau đó quý vị mua dĩa, mua băng, có thể vừa ngủ vừa nghe, có thể nghe suốt ngày giống như nghe nhạc, hay nghe một thời gian quý vị sẽ bắt được.

Ngày nay có nhiều cách học ngôn ngữ rất mau. Không phải chỉ Anh ngữ không thôi mà ngôn ngữ nào cũng được ngoại trừ tiếng bộ lạc Phi Châu, hay tiếng thổ dân như người Âu Lạc miền thượng du, thì không biết là có không. Nhưng muốn tìm những ngôn ngữ phổ thông như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ðức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Bồ Ðào Nha, tôi nghĩ không khó lắm đâu. Nếu được thì xin học phương pháp cấp tốc. (Sư Phụ nói đùa) Chúng ta là người tức khắc khai ngộ nên muốn gì cũng phải lẹ!

Sau khi học những điều căn bản, quý vị có thể tiếp tục bằng cách đọc báo, hay đọc những bài giảng của tôi nếu không có báo. Bản Tin của chúng ta cũng bằng Anh ngữ, chúng ta cũng có tin tức thế giới, hay quý vị có thể nghe chương trình của chúng ta bằng tiếng Anh. Càng nghe càng hiểu nhiều; càng đọc, càng hiểu nhiều. Quý vị may mắn vì tôi cũng nói tiếng Anh, và tiếng Anh của tôi rất là giản dị. Dù là người ngoại quốc quý vị cũng hiểu được, nếu biết một chút căn bản Anh ngữ. Cho nên có chữ nào không hiểu trong bài nào thì tô lên rồi về nhà tra tự điển hay kiếm trong máy điện toán. Ðó là cách mình học.

Bây giờ, vì chúng ta luôn luôn tiếp xúc với nhau và lúc nào cũng có người Anh, thì quý vị tìm cách nói chuyện với họ. Mới đầu có thể nói bập bẹ thôi, nhưng có vậy mới tự mình sửa được. Tôi bảo tiếng Anh vì tại nhiều quốc gia người ta cũng học tiếng Anh và muốn kiếm người thông dịch tiếng Anh hay người biết tiếng Anh cũng dễ hơn là người nói tiếng Ðức hay tiếng Pháp hay tiếng Bồ Ðào Nha, theo kinh nghiệm du hành của tôi. Bởi vì nhiều khi đi lạc, tôi nhìn người nào đó hỏi (tiếng Ðức) "Anh có biết tiếng Ðức không?" "Không"; tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa và tiếng Âu Lạc cũng vậy. Nhưng khi hỏi "Anh có biết nói tiếng Anh không?" "Biết!" Cho nên, vì chúng ta đã có một ngôn ngữ rất thuận tiện, dễ học, và phổ biến thì tại sao không học tiếng đó luôn đi? Không phải vì mình thích người Anh hơn, mà vì ngôn ngữ của họ được rồi, mình dùng cho tiện.