Tin vào đạo đức và trí huệ thay vì tội lỗi


Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị,
Panama (House of Journalism),
ngày 29 tháng 11, 1989
Băng thâu hình số 106


V: Nếu chúng ta được tạo ra bởi Thượng Ðế và chúng ta cũng là những thượng đế, thì chúng ta sẽ đạt đến đẳng cấp gì?


SP:Chúng ta sẽ đến Thượng Ðế, sẽ thành một với Thượng Ðế, như Chúa Giê-su vậy. Chúa nói rằng: "Ta và Cha ta là một". Chúng ta sẽ không mất đi con người thật của mình, chỉ mất đi cái nhân dạng giả của mình thôi; rồi chúng ta biết được Chân tánh của mình. Ðể nói thêm cho quý vị rõ: đa số con người chúng ta cho mình là thân thể này, cá tánh này. Nhưng cá tánh đó không phải là Chân ngã của mình. Cá tánh là những cái mình được dạy, những gì người ta làm mình tin rằng mình là như vậy, nó hiện hữu do sự kết tụ của những kinh nghiệm, kiến thức truyền xuống cho chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ kia, cũng như qua những ảnh hưởng của xã hội, bối cảnh, môi trường chung quanh cũng như sự giáo dục.

Cho nên, quý vị có thể thấy hai anh em sinh ra trong cùng một gia đình. Nhưng tùy họ chơi với bạn bè như thế nào, được giáo dục ra sao, làm nghề gì, hai người sẽ có tính nết khác nhau. Và đôi khi tính tình cũng thay đổi qua sự huấn luyện hay giáo dục khác nhau đó. Cho nên, nhiều khi người có học có những lề lối cư xử khác với người không có học. Ví dụ như, chiêu đãi viên hàng không có những hành động lề lối cư xử tương tự như nhau – luôn luôn lịch thiệp, miệng lúc nào cũng mỉm cười – bởi vì họ được huấn luyện như vậy. Rồi mình nhận diện người với tính tình đó: "Ồ, cô ấy rất tốt; cô ấy là như vậy; cô ta rất tử tế, lịch sự". Nhưng mình phải nói rằng đó là do cô ta được huấn luyện như vậy, được giáo dục như vậy, chứ không phải đó là Chân ngã của cô. Ai cũng có thể được tập để trở thành như vậy, nếu họ có thời giờ và cơ hội.

Cho nên khi biết Thượng Ðế hay Phật Tánh trong tâm, thì chúng ta biết mình không phải là bất cứ gì mà mình đã nghĩ trước đây. Chúng ta sẽ khám phá ra một con người mới. Thật ra đã có từ lâu, nhưng vừa mới khám phá ra thôi. Lúc đó chúng ta sẽ biết mình là đại tình thương, đại khoan dung, đại trí huệ, đại từ bi, giống y như Thượng Ðế vậy. Chúng ta bơi ra khỏi đống rác của những kinh nghiệm, thiên vị, thành kiến mà mình đã thâu thập, đẩy ra hết tất cả những tư tưởng, ý kiến sai lầm, vì mấy thứ này là do những người vô minh cho chúng ta, của xã hội và đủ mọi phong tục tập quán đem đến cho mình mà không phải lúc nào cũng khôn ngoan, trí huệ, đúng đắn. Lúc đó chúng ta sẽ tuyên bố là "Ta và Cha ta là một!" Lúc đó chúng ta mới thật sự là chính mình, giải thoát – thoát ra khỏi tất cả những xiềng xích giả tạo của sự hiểu biết giả tạo. Rồi mình mới có thể nói rằng: "Ta hoàn mỹ như Ðức Cha trên trời hoàn mỹ".

Cho nên đừng tin vào tội lỗi. Bề ngoài chỉ thấy vậy thôi. Mình phải tin vào đạo đức, trí huệ và di sản của Thượng Ðế Cha chúng ta, di sản đó là thánh thiện, là trí huệ, là từ bi, là tình thương. Giống như vỏ kẹo này (Sư Phụ cầm lên một cục kẹo gói giấy bóng). Vỏ kẹo có thể là khác nhau, nhưng bên trong đều ngọt, cùng một công ty làm ra. (Mọi người vỗ tay) Quý vị thấy không, nếu không hiểu mấy nguyên tắc này, thì cũng không dễ để thương kẻ thù của mình, không dễ để tha thứ tội lỗi của người khác. Thấy nguyên tắc đó quan trọng đến dường nào không? Bởi vậy tôi mới nói rằng Chúa Giê-su nổi tiếng không phải vì những phép mầu của Ngài, mà vì nguyên tắc của Ngài. Tôi cũng nói với quý vị cùng những nguyên tắc đó. Những gì tôi nói, tất cả những Minh Sư thời xưa cũng đã nói rồi. Tôi chỉ có đem ra cho quý vị để ý, làm sáng tỏ hơn cho quý vị hiểu thôi.