Học hỏi từ một vượn mẹ
với cánh tay tàn tậtù


Do Chim Trắng Nhỏ Hạnh Phúc, Ðông Kinh, Nhật Bản
(nguyên văn tiếng Nhật)
 
Sự hiện hữu của Sayaka, một con vượn hoang với cánh tay tàn tật rán hết sức để nuôi con trong vùng núi Takasaki, đã làm cảm động nhiều người tại Nhật Bản. Trong Vườn Bách thú Thiên nhiên Takasakiyama có một nơi tụ họp cho những loài khỉ vượn hoang, cho phép chúng xuống núi vào một thời gian nhất định mỗi ngày để được cho ăn lúa mì và khoai tây. Cách này giúp ngăn chặn khỉ vượn khỏi phá hại mùa màng, cùng lúc trở thành một nơi rất thú vị cho du khách tới viếng thăm.

Sayaka là một con vượn cái với cả hai cánh tay đều bị tàn tật. Ðược sanh ra với cánh tay quặp vào bên trong, vì thế Sayaka không thể nào dùng các ngón tay để leo cây hay là cầm lấy đồ vật gì. Vượn con thường phải ôm lấy bụng của mẹ chúng, vì thế tật nguyền loại này thường có nghĩa là vượn con sẽ chết. Nhưng, mẹ của Sayaka đã nuôi cô một cách chu đáo bằng cách bế cô trong vòng tay. Vì không thể cầm thức ăn lên bằng tay như những con vượn khác, cho nên thân thể của Sayaka nhỏ bé vì thiếu thức ăn, và vị trí của cô trong nhóm cũng thua kém.

Vào tháng 12, Kim niên 1 (2004), Sayaka, 11 tuổi, có thai lần đầu tiên. Theo tuổi của con người, thì tuổi này khoảng cuối 30. Vì thường thì vượn bắt đầu sanh con lúc 5 tuổi, Sayaka là trường hợp già nhất ở Núi Takasaki. Từ lúc đó trở đi, chúng tôi bắt đầu để ý đến sự thay đổi của Sayaka khi cô ăn thức ăn. Trước kia, tại chỗ tụ họp, cô để miệng xuống để liếm lúa mì ở dưới đất. Từ khi có thai, cô đứng ngay phía trước người quản lý vườn bách thú đang phát thức ăn với miệng mở rộng toác để có thể lấy càng nhiều càng tốt. Ðiều này như thể là cô đang nghĩ đến đứa con trong bụng.

Sayaka sanh khó, kéo dài 2 ngày thay vì thông thường là 2 tiếng. Cô cố gắng hết sức mình để lo cho đứa bé này, nhưng vì bị tàn tật đôi tay và mất nhiều sức, cô làm rơi đứa bé sơ sinh. Tối hôm đó, cô trở về miền núi với con của cô nhưng đó cũng là lần cuối cùng đứa bé được nhìn thấy. Sau đó, Sayaka bị kiệt sức một thời gian, và rồi cô được thấy bò lết xuống chỗ tụ họp.

Vào tháng 6, Kim niên 3 (2006), Sayaka vào kỳ sanh nở thứ hai được chờ đợi đã lâu, đứa bé trai được đặt tên là "Genki" (có nghĩa là "cường tráng"). Tràn đầy tình thương thuần khiết của người mẹ, cô ôm đứa con để cho nó bú và chải chuốt cho nó với đôi tay tàn tật của cô. Vượn mẹ nổi tiếng về tình thương của chúng đối với con cái. Trường hợp của Sayaka càng cho thấy rõ ràng chuyện đó, không kém gì con người.

Tôi có nói chuyện với ông Kawano, một hướng dẫn viên đã theo dõi loài vượn hơn 30 năm. Ông cho biết là Sayaka đã trở nên kiên cường hơn, qua việc sanh đứa con của cô. Ông cũng đề cập đến sự đau lòng của ông khi thấy Sayaka sợ hãi nhìn Genki khi thấy vượn con chơi cao trên không. Có lúc Sayaka cảm thấy có sự nguy hiểm nhưng không thể chụp lấy con để bảo vệ cho nó như những vượn mẹ khác làm.

Sayaka dường như đặc biệt thân thiết với ông Kawano. Ông thường bí mật cho cô củ khoai tây nhỏ từ trong túi ông. Tôi thấy dường như Sayaka cảm nhận được sự tử tế của ông Kawano đối với sự tàn tật của cô, và đã hoàn toàn đặt tin tưởng vào nơi ông. Trong sự quan hệ của họ, hình như không có sự khác biệt giữa người và vượn.

Tôi có 2 đứa con trai nhỏ. Khi nhớ tới những lần tôi hay giận vì những chuyện nhỏ nhặt, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ khi tôi so sánh mình với Sayaka, sống một cách vô tư và chịu đựng để nuôi con của mình. Tôi có một căn nhà, mỗi ngày có thức ăn để ăn, và gia đình tôi và tôi đều khỏe mạnh. Quan trọng hơn là tôi có Sư Phụ, người chăm sóc cho tôi và hướng dẫn tôi đi đúng đường. Tôi cảm thấy rất có phước và biết ơn tất cả những gì tôi có.