Những cải thiện tích cực trên tinh cầu
TRUNG QUỐC
Tiến bước vào một xã hội trị vì bằng công lý

Do một đồng tu ở Trung Quốc (nguyên văn tiếng Trung Hoa)


Ngày 28 tháng 12, Kim niên 3 (2006), Tòa án Tối cao của Trung Quốc đã tuyên bố quyết định rút lại quyền xét án tử hình của tòa án cao cấp địa phương và tòa án quân đội. Vào ngày 1 tháng 1 năm 2007, quyền lực này đã chính thức được phục hồi cho Tòa án Tối cao sau hơn 20 năm giao phó cho những tòa án cao cấp. Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tiến đến quyết định này nhằm mục đích xây dựng một xã hội được cai trị bằng pháp lý, biểu hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ là thực thi lời hứa quý trọng sinh mạng và bảo vệ nhân quyền.

Ở Trung Quốc, có hơn 60 tội trạng có thể bị án phạt tử hình, khiến cho nước này trở thành quốc gia có số lượng tuyên án và thi hành án tử hình cao. Ðã nhiều năm, quá trình xét xử của tòa phải chịu đựng sự can thiệp của chính quyền hành chánh hoặc quan điểm cá nhân của các lãnh tụ chính trị. Hơn thế nữa, theo hệ thống trước đây thì quyền tái xét bản án được chuyển cho các tòa án cấp thấp, điều này dễ dẫn đến tình trạng bản án bị tác động bởi những quyết định cá nhân và kết quả là những sự lạm dụng về pháp lý như việc sử dụng án tử hình một cách độc đoán bởi tòa án địa phương cũng như sử dụng nhiều tiêu chuẩn khác nhau trong việc thi hành án tử hình. Việc phục hồi quyền xem xét lại bản án tử hình cho Tòa án Tối cao là một dấu hiệu mang ý nghĩa hết sức quan trọng cho thấy sự tiến bộ từ "trị vì theo quyết định cá nhân" sang "trị vì theo pháp luật".

Hy vọng là sự thay đổi này sẽ làm giảm bớt số lượng tuyên án và thi hành án tử hình tại Trung Quốc. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề từ gốc rễ của nó, việc bãi bỏ án tử hình đòi hỏi một nỗ lực kiên trì của chính phủ. Nó cũng cần sự ủng hộ và cảm thông của toàn thể dân số trong việc thay đổi sự suy nghĩ, từ bỏ quan niệm hận thù "lấy mạng đền mạng" đã thấm sâu vào tư tưởng của người dân từ ngàn năm trước. Sự hiện hữu của tội ác vi phạm bởi những người mà trước kia đã từng là những đứa trẻ ngây thơ một phần là trách nhiệm của xã hội. Vì thế phạm nhân không nên chỉ phải gánh chịu những hình phạt, mà còn nên được đối đãi như những bệnh nhân. Chỉ khi đó, xã hội và đất nước mới thật sự đạt được lợi ích bằng cách đảm bảo quyền lợi cho mỗi công dân và tiến đến xây dựng một xã hội hòa hợp.