Buông bỏ thói quen
để trở thành
một người thật sự tự do

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị,
Tam Ðịa Môn, Bình Ðông, ngày 1 tháng 4, 1990
(nguyên văn tiếng Trung Hoa) - MP3-CR08
Từ xưa, những người tu hành thỉnh thoảng phải để qua một bên công việc hằng ngày, để tu hành tinh tấn trong đoàn thể. Ðây là cách để tiến bộ. Chúng ta luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác vì nghe theo sự sai khiến của thói quen. Nếu chúng ta trở thành một loại người nào đó trong kiếp này, đó là vì chúng ta đã là người như vậy trong quá khứ. Giống như vậy, chúng ta làm một số công việc nào đó vì đã từng làm những việc đó trong quá khứ. Tuy nhiên, nếu thỉnh thoảng chúng ta không buông bỏ thói quen của mình và làm việc mới, sau khi qua đời, chúng ta sẽ phải trở lại nữa. Sự ảnh hưởng sẽ càng thêm mãnh liệt, khiến chúng ta lặp lại những hoạt động giống y như vậy mỗi lần trở lại.

Ðó là lý do tại sao những vị đạo sư hoặc thiền sư trong quá khứ thỉnh thoảng quát tháo đệ tử, hoặc bỗng nhiên dùng gậy đánh vào đệ tử, khiến cho họ sửng sốt, để tạm thời cắt họ thoát ra những ảnh hưởng quá khứ. Chỉ khi đó, những thiền sư mới có thể truyền dạy những điều mới cho đệ tử, có thể chỉ một chút ít, nhưng cũng đủ; sau đó, nó sẽ đâm chồi lớn mạnh, biến đệ tử thành một người mới.

Tương tự như vậy, thời nay, một Minh sư có thể bắt chúng ta làm công việc chúng ta không thích hoặc không quen, để phá bỏ những xiềng xích đã cột chúng ta lại, như ngựa hay chim bồ câu luôn luôn tìm về đường cũ, ngay cả sau khi chúng đã được thả tự do.

Con người chúng ta cũng giống như vậy. Tại sao chúng ta luân hồi hết kiếp này sang kiếp khác? Ðó là vì chúng ta đã có thói quen làm một số việc nào đó trong một kiếp, nó sẽ ảnh hưởng chúng ta làm giống như vậy khi trở lại trong kiếp tới. Ðầu óc chúng ta thâu lại tất cả những hoạt động và sở thích của mình, rồi phát trở lại tất cả những khuynh hướng này mỗi lần chúng ta trở lại, khiến chúng ta cứ lặp lại những hành vi cũ, và ngăn cản không cho chúng ta vượt khỏi đẳng cấp quá khứ của mình. Ðôi lúc, khi chúng ta muốn làm một việc tốt hoặc xấu, đó chỉ là do ảnh hưởng của thói quen quá khứ, chứ không phải là do chúng ta thật sự tốt hay xấu.

Có những lúc tôi bảo quý vị làm những việc dường như vô nghĩa mà quý vị có thể cảm thấy rất chán và vô lý. Nhưng dù vậy, quý vị vẫn phải làm theo chỉ thị của tôi. Bằng cách thỉnh thoảng làm những việc như vậy, quý vị sẽ phá bỏ được sự ràng buộc từ những thành kiến và thói quen lâu đời - những quan niệm và hành vi mục nát cột chặt quý vị.

Tương tự như vậy, chúng ta thỉnh thoảng nên bỏ xuống công việc thường lệ hàng ngày để tham dự bế quan vài ngày. Trong những thời gian này, chúng ta buông bỏ tất cả, thành như trẻ thơ và hiểu rằng: "Thế gian vốn vô sự". Dù không có chúng ta, thế giới sẽ không bị hủy diệt hay tan rã, chúng ta hãy nhớ kỹ điều này.

Bây giờ chúng ta vẫn còn ở trong thế gian, chúng ta phải tiếp tục làm việc, bởi vì dù rằng bánh xe thói quen đã được thắng bớt, nhưng vẫn chưa hoàn toàn ngừng hẳn. Phải mất một thời gian để cho bánh xe ngừng lại. Nếu đạp thắng quá mạnh, xe sẽ bị xoay khiến cho chúng ta bị nguy hiểm. Vì đã ở trong thế gian rồi, chúng ta chỉ tiếp tục sống và làm tròn bổn phận của mình. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng đây chỉ là đà quán tính của những thói quen trong quá khứ chưa ngưng hẳn.

Ngoài việc làm những việc đã quen thuộc với mình, chúng ta cũng phải thêm vào những điều mới. Bằng không, chúng ta sẽ trở lại và lặp lại những việc cũ, như làm một người thợ mộc hay một người lính đánh trận. Cho dù không trở thành lính đánh trận, chúng ta vẫn còn giữ tính độc tài, quyết đoán.

Vì vậy, quý vị không nên luôn luôn nghe lời đầu óc. Khi tôi bảo quý vị làm việc gì, quý vị nên làm theo như vậy, hoàn toàn chú tâm vào công việc và tập trung để hoàn tất công việc. Theo cách này, những ảnh hưởng quá khứ sẽ tạm thời được cắt bỏ. Bằng không, chúng sẽ tiếp tục lặp lại, và quý vị sẽ phải trở lại nữa.

Trong khi làm việc, chúng ta không nên phán đoán công việc là tốt hay xấu. Khi chúng ta có tâm phân biệt hay chọn lựa thì sẽ có rắc rối. Một khi chúng ta thích việc này hơn việc khác, đầu óc lập tức bắt đầu thâu vào, nói rằng: "A! Anh ta thích việc này". Rồi khi chúng ta trở lại kiếp sau, băng thâu này sẽ phát trở lại. Lòng ưa thích của chúng ta tạo nên luân hồi. Nếu chúng ta không có sự chọn lựa trong khi làm việc, chúng ta sẽ "làm mà không làm" và không bị ràng buộc.

Vì lý do này, điều quan trọng là thỉnh thoảng chúng ta nên bỏ xuống mọi việc và cùng nhau đi bế quan trong vài ngày. Sự thực hành này có lợi ích lớn nhất cho những ai chưa hoàn toàn khai ngộ. Dù rằng chúng ta thiền tại nhà mỗi ngày, đầu óc vẫn chứa đầy những tư tưởng hỗn loạn, và chúng ta cũng phải phấn đấu chống lại rất nhiều thói quen, nên không hữu hiệu lắm.

Không có sự hướng dẫn của một Minh sư khai ngộ, thật sự là mỗi ngày chúng ta chỉ lặp lại cùng một phản ứng. Khi có ai gọi, chúng ta quay lại nhìn; khi bị la mắng, chúng ta nổi giận; khi có ai nhìn mình với cặp mắt yêu thương, tim chúng ta đập mạnh. (Mọi người cười) Chúng ta làm những điều ngớ ngẩn này suốt cuộc đời, luôn luôn bị hoàn cảnh bên ngoài kiểm soát, bị đầu óc lừa gạt và bị ràng buộc bởi những ảnh hưởng trong quá khứ. Cho nên chúng ta không thật sự tự tại và không có cá tánh riêng biệt! Quý vị không nghĩ điều này thật thảm sao? Chúng ta giống như là con bò bị xỏ mũi. Cho nên đừng nghĩ rằng chúng ta đã được tự do rồi. Ðôi lúc, chúng ta phải bỏ xuống tất cả và thiền nhiều hơn để cho phép Lực lượng tận cùng bên trong xuất hiện và rửa sạch những khuynh hướng quá khứ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể sống trong tự do. Bằng không, chúng ta sẽ bị ràng buộc bởi thói quen và lặp lại những hành động giống nhau từ kiếp này sang kiếp khác.

Chồng, vợ, cha, mẹ, con cái và bạn bè mà chúng ta có trong hiện tại cũng là thân nhân và bạn bè của chúng ta trong quá khứ, hay có liên hệ với chúng ta qua cách nào đó. Thí dụ như, họ có thể là xếp của chúng ta trong tiền kiếp. Những người đã từng có ảnh hưởng sâu đậm đối với chúng ta sẽ trở lại trong kiếp này để thống trị chúng ta lần nữa.

Hoặc là trước đây chúng ta đã thống trị họ, nên chúng ta trở lại để thống trị họ lần nữa trong kiếp này. Khuynh hướng quá khứ giống như là một bánh xe, cứ quay mãi mà chúng ta không thể dừng lại được.

Cho nên thỉnh thoảng chúng ta phải thêm thành phần mới và hành động mới, để tạm thời cắt đứt khuôn mẫu cũ đã ghi lại trong đầu óc. Chỉ khi đó bánh xe sẽ ngưng lại, và chúng ta mới có cơ hội để suy ngẫm những câu hỏi như là "Tôi thật sự là ai?" và "Tại sao chúng ta hiện hữu nơi đây?" Bằng không, chúng ta chỉ bận rộn làm cùng một công việc mỗi ngày, giặt quần áo, ăn uống v.v... và bị hoàn cảnh bên ngoài khống trị, trong khi đời sống chúng ta toàn là sự đau khổ và vô ý nghĩa. Nếu chúng ta cứ sống như vậy suốt cuộc đời thì thật là đáng thương!

Từ thời xưa, tất cả những bậc hiền triết và thánh nhân có khả năng nhận thức chính mình, hiểu được quá khứ và tương lai, đạt được sự khai ngộ và giải thoát, bởi vì họ đã dành thời giờ để suy tưởng. Ngược lại, chúng ta chỉ giống như là nô lệ và thú vật, làm bất cứ những gì người khác bảo mình làm. Chúng ta quay đầu lại khi có ai gọi và nổi giận khi bị mắng. Tất cả mọi người đều cư xử giống hệt nhau, điều này thật vô lý! Bây giờ, chúng tathấy đã quá đủ với tình trạng này, chúng ta cần phải đứng dậy, chống lại đầu óc và tự hỏi: "Tại sao tôi cứ làm mãi những việc vô ý nghĩa này suốt đời vậy?"

Câu chuyện của Milarepa
– Nỗ lực khổ nhọc của Minh sư để giáo hóa đệ tử
Minh sư không cần đệ tử của họ làm việc gì mà chỉ muốn giáo hóa đệ tử. Dù họ biết học trò rất chán ghét những công việc nào đó, Minh sư vẫn bảo họ làm. Huấn luyện đệ tử thật sự là một công việc cực nhọc! Thí dụ, quý vị đều biết câu chuyện của Milarepa và đều thương hại ông. Tuy nhiên theo ý tôi, Sư Phụ ông mới thật là đáng thương, bởi vì Milarepa rất độc ác khi còn nhỏ. Chỉ vì người nào đó ăn trộm tài sản của ông, ông theo lời mẹ đi học hắc thần thông để trả thù và giết hết kẻ thù. Phải mất nhiều năm mới tinh thông được phép thần thông này, nhưng trong thời gian này, ý tưởng giết người luôn ở trong tâm trí ông. Ðiều này gọi là "chủ tâm sát hại", biểu lộ rằng ông rất độc ác, ngoan cố và không có tình cảm. Sự sợ hãi địa ngục chỉ nổi lên sau khi ông đã làm việc sát nhân, và vị thầy dạy hắc thần thông cho ông biết về nghiệp quả của những hành động này. Do đó, Milarepa tìm một Minh sư khai ngộ chỉ vì sợ địa ngục, chứ không phải vì lý tưởng cao thượng như những "A La Hán" hay "Bồ Tát" như quý vị.

Thầy của Milarepa phải dạy dỗ những người như ông ta. Theo luật pháp thời đó, những người như Milarepa lẽ ra phải bị án tù chung thân khổ sai, tuy nhiên, mỗi ngày thầy của ông phải sống với một tội phạm như vậy, và thậm chí còn phải giáo hóa cho ông. Làm cách nào để khai tâm cho ông ta? Milarepa đã đầy ác tâm trước khi làm việc sát nhân. Tư tưởng duy nhất của ông là phải lấy mạng kẻ thù để trả thù, nhưng sau khi hành động, lòng ông tràn đầy cảm giác tội lỗi. Khai ngộ cho ông ta thật khó! Dù vậy, Minh sư vẫn tha thứ, không xem ông như kẻ sát nhân; thay vào đó lại kiên nhẫn chăm sóc và dạy dỗ ông bằng tất cả mọi phương cách. Vị thầy này quả thật là một Minh sư đáng thương! Sống chung với một người nhân từ bình thường đôi khi cũng đã khó, nói chi đến một kẻ tội phạm! Milarepa là một người ngang bướng. Khi sát nhân, ông làm một cách chu đáo. Ông kế hoạch nhiều năm, và xem chắc rằng kẻ thù đã chết trước khi ông bỏ đi. Tuy nhiên, khi tìm Chân lý, ông cũng bền bỉ đến cùng. Ông không lui bước ngay cả khi vị thầy khước từ ông. Khi đến nhà Minh sư, ông liền bỏ đồ đạc xuống, chủ ý ở đó vĩnh viễn, và cho dù vị thầy nói "Không" ông vẫn không màng. Vị thầy đánh đập, la mắng ông mỗi ngày, bắt ông phải xây rồi phá nhà trong nhiều năm, nhưng Milarepa vẫn kiên trì. Một người bướng bỉnh như vậy thật khó dạy!

Mọi người đều thán phục Milarepa về lòng tin mãnh liệt không thay đổi, nhưng tôi nghĩ ông ta chỉ ngoan cố thôi. Ngay cả trong âm mưu giết người, ông kiên trì đến phút chót. Ông là kẻ bướng bỉnh, luôn luôn kiên trì cho đến phút chót trong bất cứ việc gì. Làm cách nào có thể giáo hóa một người như vậy? Tuy nhiên, thấy lòng can đảm và ăn năn của ông, vị thầy đã dạy ông bằng tất cả lòng kiên nhẫn. Chỉ bằng cách tỏ lòng sám hối một chút, ông đã làm cho Minh sư phải cực khổ đến bảy năm.

Tuy nhiên tất cả quý vị đều biết người thường dễ thay lòng đổi dạ ra sao, hôm nay sám hối rồi ngày mai đầy sự phẫn nộ trở lại. Milarepa chỉ tỏ chút lòng sám hối nhưng lại được cứu rỗi. Vị Minh sư quan sát thấy rằng sự ngoan cố của ông khiến ông làm việc một cách bướng bỉnh, không thay đổi thành kiến. Vì vậy, vị thầy dùng rất nhiều phương pháp có vẻ như vô lý để phá vỡ những thành kiến của ông. Không phải là vị thầy cần ông làm bất cứ điều gì. Vị thầy có rất nhiều đệ tử, có thể sai người khác xây căn nhà Milarepa đã xây. Vậy tại sao Ngài chỉ sai một mình Milarepa xây nhà, rồi phá bỏ khi đã hoàn thành, rồi lại xây nhà mới?

Vị thầy sai ông khiêng đá lên đồi để xây nhà, sau đó lại hỏi: "Ai bảo ngươi xây nhà này?" Câu hỏi có ý làm Milarepa bối rối về sự ngoan cố quen thuộc của ông. Khi đọc kinh điển, quý vị nên phát triển sự hiểu biết toàn diện để hiểu được toàn thể bức tranh, không phải chỉ xem sơ qua rồi nghĩ: "Ồ! Milarepa có lòng tin thật mãnh liệt! Ồ! Milarepa thật đáng thương, đáng thương vô cùng!" Nhưng quý vị không hiểu ai mới thật sự là đáng thương!

Những Minh sư khai ngộ có tâm rất từ bi, các Ngài lập tức giúp đỡ khi thấy người nào tỏ chút lòng sám hối hay muốn tìm Chân lý. Quý vị thấy đó, Milarepa chỉ tặng vị thầy có chút quà, chỉ cúng dường một nửa số vàng ông có, và giữ số còn lại cho mình, vì ông nghĩ vị thầy tham cúng dường. Do đó ông chỉ đưa ra một nửa số vàng mình có. Quý vị có thể thấy ông "thành tâm" đến mức nào! Milarepa đã chuẩn bị sống tại nhà vị thầy, ăn uống tại đó, ngủ tại đó, học hỏi Chân lý tại đó, nhưng chỉ cúng dường một nửa!

Rồi để cho Milarepa biết Ngài không phải là kẻ tham lam, vị thầy lập tức bỏ số vàng. Cho nên Milarepa xem ra chẳng cúng dường gì hết. Thầy ông ngày đêm cứ hỏi về cúng dường chỉ để có cớ la mắng và khước từ truyền pháp môn cho ông, vì thời điểm của Milarepa chưa đến; đầu óc ông vẫn chưa trưởng thành. Chúng ta biết điều này từ việc quan sát hành vi của ông chỉ cúng dường một nửa. Chỉ là một số vàng rất nhỏ, nhưng ông vẫn "để dành" một nửa cho mình. Sau đó, ông than phiền rằng Minh sư từ khước không truyền pháp môn cho ông, nhưng pháp môn chân thật không thể trao truyền dễ dàng như vậy được! Quý vị không thể vào ép Minh sư truyền pháp cho mình. Cũng giống như một người giàu có và tự do cho tiền bất cứ ai ông ta muốn, không một ai có thể ép ông ta bởi vì tiền là của ông ta.

Milarepa là một người cứng đầu nhưng vị thầy của ông lại rất tốt, vô cùng kiên nhẫn, cực khổ dạy ông trong bảy năm, chờ đến khi ông trưởng thành rồi truyền pháp cho ông. Vì bản tánh Milarepa vô cùng ngoan cố, vị thầy không cho phép ông sống liên tục trong cùng một hang động, mà bắt ông phải dời chỗ sau một thời gian. Sự tu khổ hạnh như vậy không thích hợp với tất cả mọi người. Cho nên đừng nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được Chân lý chỉ bằng cách tu hành theo kiểu của Milarepa. Ðiều này vô nghĩa! Tánh của chúng ta khác với tánh của ông!

Thí dụ, Thích Ca Mâu Ni Phật không cần phải tu hành đến mức cực đoan như vậy, bởi vì Ngài đã có lòng từ bi và cảm thấy thương xót những người đau khổ. Cho nên, Ngài không cần phải trải qua những sự cực khổ này. Sự tiến bộ tâm linh của Ngài dễ dàng và nhanh chóng, ngoại trừ một thời gian khi Ngài mù quáng tu theo một pháp môn khổ hạnh vì vô minh. Ngài thấy nhiều người tu khổ hạnh và không biết cách nào khác. Chỉ sau đó, Ngài mới hiểu rằng tu những pháp môn này là sai.

Cho nên đừng thắc mắc tại sao tôi không bao giờ bảo quý vị tu khổ hạnh như Milarepa, nhưng thay vào đó bảo quý vị dựng lều tại Tam Ðịa Môn này, và vui chơi trong nước. Trong ngày, tôi còn để quý vị tìm chỗ trú, treo võng ngủ, nghỉ ngơi hoặc thiền. Quý vị chỉ thiền nhiều hơn vào buổi tối. Vì chúng ta có núi, có sông tại đây, nhân tiện tôi để quý vị vui hưởng chúng, vừa tu hành tâm linh, vừa vui chơi cùng một lúc.  


<< >>
Giới thiệu trang này đến bạn