Do sư huynh đồng tu Li, Trung Hoa Lục Ðịa - (Nguyên văn tiếng Anh)

Theo tư tưởng Khổng giáo, trên con đường tâm linh, trước hết phải tu thân, tề gia, rồi mới trị quốc, bình thiên hạ. Phật giáo cũng nhấn mạnh việc làm lợi ích và khai ngộ chúng sinh. Những người trong gia đình là những chúng sinh đã có duyên với nhau từ nhiều kiếp trước. Vì vậy, gia đình là một môi trường tự nhiên để phát triển về mặt tâm linh.

Tình thương giữa những người trong một gia đình có sự hiểu biết về tâm linh và cùng lý tưởng giác ngộ không phải là sự ràng buộc. Thay vào đó, tình thương này có thể giúp chúng ta phá bỏ đầu óc hẹp hòi ích kỷ. Tôi luôn luôn cho rằng gia đình là cánh cửa để mở rộng tình thương ra khỏi cá nhân mình; còn công việc làm là cánh cửa để mở rộng trí huệ ra khỏi môi trường tiện nghi của mình. Tình thương và trí huệ là mục đích chính của sự tu hành.

Về phương diện này, tôi rất may mắn, vì phu nhân tôi rất thông minh và thành công trong sự học hỏi cũng như trong công việc, ngoài ra còn là một người bạn đời rất tận tâm. Tôi đã học được ý nghĩa của tình thương vô điều kiện từ phu nhân, và nàng cũng giúp cho tôi thoát ra khỏi vỏ ốc vị kỷ của mình.

Vợ tôi là người vô đạo khi chúng tôi bắt đầu gặp gỡ 12 năm trước, lúc còn ở đại học. Thời gian đó, tôi đang thực hành pháp yô-ga bhakti (pháp môn chú trọng về tụng niệm và cầu nguyện). Vài năm sau, tôi bắt đầu theo Thanh Hải Vô Thượng Sư và tu pháp môn Quán Âm. Trong những năm này, tôi cố gắng hướng đời mình về mục đích tâm linh mà không bị vướng vào những hình thức thái quá bên ngoài, để đừng có vẻ kỳ quặc trước mắt vợ tôi. Phải mất 7 năm sau, vợ tôi mới trở thành người trường chay và tu hành. Cuối cùng, nàng thọ Tâm Ấn vào năm 1997.

Từ khi chúng tôi trở thành đồng tu, không có điều gì thái quá xảy ra. Chúng tôi vẫn yêu thương nhau như trước, và đôi khi vẫn cãi cọ lẫn nhau. Nhưng ánh sáng trí huệ đã từ từ len lỏi vào đời sống của chúng tôi, và thỉnh thoảng, tạo nên những cuộc bàn luận hứng khởi liên quan đến Sư Phụ, đến cuộc đời, những ước vọng v.v... giữa hai chúng tôi. Hiện tại, tình thương gia đình đã trở thành một nguồn hứng cảm cho chúng tôi để tìm sự khai ngộ.

Ở thời điểm hiện tại trong đời sống, tôi đã nhận thức được rằng, nếu thật sự yêu thương vợ, tôi phải tìm thêm trí huệ và tình thương. Nếu thất bại trong việc tìm trí huệ, tôi có thể đưa nàng đi lạc hướng đến một cuộc đời lẻ loi, hiu quạnh. Nếu thất bại trong việc tìm kiếm tình thương, tôi có thể làm vợ tôi đau buồn, do tính tình không toàn mỹ của mình. Do đó, kinh nghiệm của tôi về gia đình đã giúp rất nhiều trong việc tu hành và ngược lại.

Ðể kết luận, Khổng Tử nói rằng: "Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa". (Quân tử dù không đồng ý với người, nhưng vẫn hòa thuận. Tiểu nhân dù đồng ý với người, nhưng vẫn bất hòa). Chúng ta nên hòa thuận với người khác, dù cho họ có tu hành hoặc trường chay hay không. Không nên ép người khác phải tức khắc chấp nhận Sư Phụ, và hãy dùng tình thương và trí huệ để đối xử với họ, rồi kiên nhẫn chờ đợi, cho đến khi ngày giờ đến. Ðó là cách tốt nhất để hướng dẫn họ đến việc chấp nhận Sư Phụ, và đạt được giải thoát vĩnh hằng.

 


Trên Ðường Tu Học

Mẫu Mực Tuyệt Hảo Về Tình Yêu Ðôi Lứa -- Tấm Gương của Sư Phụ
Cải Biến Hôn Nhân Giúp Cho Sự Tu Hành
Người Trợ Giáo Tâm Linh
Hôn Nhân -- Một Công Cụ Tốt Trên Ðường Tu Học
Bài Học Hôn Nhân


Ðề Tài Liên Hệ: Lời Pháp Cam Lồ

Mục Lục